Cá lăng lâu nay vẫn là món ăn được các dân nhậu rất ưa thích. Thịt cá lăng có hương vị rất thơm, ngon, bùi và đặc biệt săn chắc. Vậy cá lăng có mấy loại? Giá bao nhiêu tiền 1 kg? Nên làm món gì thì ngon & bổ dưỡng? Tìm hiểu chi tiết hơn tại bài viết dưới đây
1/ Những thông tin cơ bản về Cá Lăng
1.1/ Cá lăng là cá gì?
Cá lăng (tiếng Anh là Bagridae) là một giống cá da trơn, không vảy thường được tìm thấy ở khu vực Châu Phi và một vài nước Châu Á. Cho tới nay người ta đã tìm và thống kê được có khoảng 245 giống khác nhau cùng thuộc họ cá lăng
1.2/ Cá lăng sống ở đâu? Là cá nước gì?
Cá lăng là một loài cá nước ngọt, nước lợ. Khu vực sinh sống chủ yếu của chúng là những tầng thấp ở ao, hồ, sông hoặc suối, nơi mà dòng nước chảy không xiết, nhiều bùn đất, nhiều phù sa
Thức ăn chủ yếu của cá lăng là côn trùng, trứng của tôm cua hoặc những loài cá nhỏ khác. Với tính ăn tạp này nên chúng phát triển rất dễ và nhanh.
1.3/ Đặc điểm ngoại hình
Thoạt nhìn qua thì cá lăng có nhiều nét tương đồng với cá trê với 4 chiếc râu ở phần đầu. Ngoại hình của cá lăng cũng tương đối lớn. Chiều dài tối đa của loài này có thể đạt tới 1,5 mét và cân nặng có thể lên tới 100kg (trung bình từ 10 – 30 kg)
Thân mình của cá lăng khá thon, dài, không có vảy và bao phủ bằng một lớp nhớt trơn. Chúng có 1 vây lưng và các vây mỡ xung quanh cơ thể.
1.4/ Tập tính sinh sản
Mùa sinh sản của cá lăng thường rơi vào tháng 7 hoặc 8 âm lịch. Những khu vực rừng ngập nước là địa điểm ưa thích để cá lăng cái đến đẻ trứng.
Trứng cá lăng phát triển rất nhanh, chỉ khoảng 3 ngày sau khi đẻ là sẽ nở. Cá con sẽ không bơi ngay về sông mà sẽ phát triển tại chỗ tới khoảng tháng 11 hoặc 12 âm lịch
1.5/ Cách phân biệt Cá lăng và cá trê
Với người không có kinh nghiệm rất dễ bị nhầm lẫn giữa cá lăng và cá trê. Để phân biệt 2 giống cá này bạn cần nhìn vào phần đầu và màu sắc thân mình của chúng.
Phần đầu của cá trê sẽ bẹt hơn nhiều so với cá lăng. Cá trê sẽ có môi trề và dày, cá lăng thì không. Ngoài ra màu da của cá trê sẽ đậm hơn, đen hơn
2/ Cá lăng có mấy loại?
2.1/ Cá lăng đuôi đỏ (Lăng Nha Đuôi Đỏ)
Cá lăng đuôi đỏ (tên khác là lăng nha đuôi đỏ) xuất hiện chủ yếu tại một số con sông ở khu vực Châu Á. Tại Việt Nam, giống lăng nha đuôi đỏ ở sông Serepok thuộc xã Hòa Phú, Buôn Ma Thuột được nhiều người biết tới nhất.
Cách nhận biết cá lăng nha không khó, phần vây và đuôi của chúng sẽ có màu đỏ nên khá dễ phân biệt.
Lăng đỏ là loài có kích thước lớn nhất trong tất cả các giống cá lăng, trung bình độ dài có thể đạt tới 1,5 mét và nặng hơn 30 kg.
Cá biệt có những con cá lăng đuôi đỏ khổng lồ nặng tới gần 200 kg, tuy nhiên xác suất tìm thấy và bắt được con có kích thước khủng như vậy là rất hiếm.
Tại Việt Nam, những con nặng tầm 40 – 50 kg cũng có thể xếp vào thuộc hàng khủng. Và tại sông Serepok đã ghi nhận bắt được cá lăng đỏ nặng tới gần 100 kg.
Do giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon nên nhu cầu mua cá lăng nha ngày càng lớn. Và lẽ đương nhiên, có cầu thì ắt có cung.
Hiện nay, thay vì phải dấn thân vào những vùng nước xiết để bắt từng con cá, rất nhiều hộ dân ở ven sông Serepok đã quây lưới tạo thành khu nuôi riêng biệt, phục vụ nhu cầu cho thị trường
Bất chấp thời gian thu hoạch trung bình cho 1 mẻ cá dao động từ 1 – 2 năm, rất nhiều hộ vẫn kiên quyết bám nghề và thu về cho bản thân hàng tỷ đồng mỗi vụ.
2.2/ Cá lăng chấm (Lăng Hoa)
Cá lăng chấm (tiếng anh là Hemibagrus guttatus) hay còn gọi là cá lăng hoa là loài cá cho giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.
Sở dĩ chúng có tên là lăng chấm, lăng hoa là bởi trên thân mình có những đốm đen, chấm đen tương tự như hình bông hoa.
Tại Việt Nam, loài lăng hoa phân bố chủ yếu ở các con sông lớn phía Bắc như sông Lô, sông Gâm, sông Chảy, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Lam,..
Cá lăng chấm không có nhiều xương, duy nhất 1 nhánh xương sống và không có xương dăm bên trong thớ thịt nên được nhiều người ưa chuộng.
Môi trường sống ưa thích của cá lăng hoa là ở những nơi có dòng nước chảy nhẹ và sạch. Chúng chủ yếu ăn các loại ấu trùng, trứng của tôm cua hoặc ốc. Chính vì vậy bản tính của loài cá này tương đối dữ.
2.3/ Cá Lăng Vàng (Cá lăng sông Đà)
Cá lăng vàng (lăng hồng) hay còn được gọi với tên cá lăng sông Đà là một trong những “cực phẩm” trong các giống cá lăng hiện nay. Sở dĩ gọi tên như vậy bởi giống cá này thường chỉ được tìm thấy ở khu vực sông Đà
Đây là loài duy nhất chưa có phương pháp lai tạo giống, vì vậy mỗi con lăng vàng được bắt đều xuất phát từ tự nhiên.
Cá lăng sông Đà có thịt thơm ngon, bổ dưỡng và nhiều người còn nói rằng có thể chữa bệnh nên lại càng tăng thêm giá trị của giống cá này.
Thông thường những con lăng vàng nặng chừng 5 – 7 kg vẫn bắt gặp nhiều tại các nhà hàng với giá khoảng 900.000 VNĐ/kg.
Tuy nhiên những con có trọng lượng nặng (từ 20 kg) mới thuộc hàng quý hiếm, được nhiều dân sành ăn săn tìm. Và đương nhiên mức giá cho những con cá lăng vàng khủng này không hề rẻ, xấp xỉ khoảng 2.000.000 VNĐ/kg.
2.4/ Cá Lăng Đen (Cá Nheo Mỹ)
Cá Lăng Đen thực chất chỉ là cách gọi của người miền Bắc, cụ thể xuất phát từ Hải Dương. Đây thực ra là giống cá nheo Mỹ được nhập khẩu từ những năm 2010.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc giống cá tra, cá basa của Việt Nam một thời làm mưa, làm gió trên thị trường Mỹ những năm 1996.
Dưới danh nghĩa catfish (cá nheo) đi kèm mức giá rẻ và chất lượng tốt nên được rất nhiều người Mỹ ưa chuộng. Tuy nhiên điều đó lại không hề vui với những công ty kinh doanh cá của Mỹ.
Vào năm 2001, quốc hội Mỹ ban sắc lệnh cá tra, cá basa của Việt Nam không được gọi là catfish. Thuật ngữ này chỉ được áp dụng cho những giống cá của Mỹ.
Sắc lệnh này đã khiến cho Việt Nam mất lợi thế về giá. Và đương nhiên không thể cạnh tranh lại với các giống catfish của Mỹ.
Sau này vào những năm 2010, trên dòng sông Lục Đầu ở tỉnh Hải Dương lại đột nhiên rộ lên phong trào nuôi cá nheo Mỹ. Giống cá này khi đó đã giúp rất nhiều người đổi đời rất nhanh.
Và có lẽ do không thích cách gọi nước ngoài là cá nheo Mỹ, nên người dân Hải Dương chỉ quen miệng gọi là cá lăng đen.
Giống lăng đen này lớn nhanh, cho giá trị kinh tế rất cao nên đã thu hút rất nhiều hộ dân tham gia nuôi. Khi lượng cung vượt quá cầu đã khiến cho giá trị của cá lăng đen bị suy giảm.
Từ mức giá 140.000 VNĐ/kg không phân biệt là lăng đen hay lăng chấm. Giờ đây giống lăng đen này chỉ có giá khoảng 40.000 VNĐ/ kg.
2.5/ Cá lăng Trắng
Că Lăng Trắng cũng là một phân loài thuộc họ cá lăng, điểm đặc biệt duy nhất của giống này là toàn bộ thân mình đều có màu trắng.
Cá lăng trắng rất khó tìm thấy ngoài tự nhiên. Tuy nhiên thịt của giống này rất thơm, ngon, bùi và bổ dưỡng hơn hẳn cá lăng đen.
Nhưng do tốc độ lớn của chúng tương đối chậm nên không có nhiều người nuôi. Do vậy cũng vô tình đẩy giá của giống cá lăng trắng lên khá cao, gấp đôi so với lăng đen.
2.6/ Cá Lăng Đá (Cá Chiên Sông Đà)
Cá Lăng Đá thực chất chỉ là cách gọi của một số vùng khu vực miền Trung, miền Nam. Còn tại miền Bắc thì cá lăng đá có tên gọi là cá chiên.
Cá chiên còn được mệnh danh là thủy quái, bởi chúng có hình thù tương đối kỳ dị. Phần thân mình có màu loang lổ, phần đầu to bè và nhiều răng lởm chởm trong miệng.
Loài cá này thường sống ở các khe đá, nơi có dòng nước chảy xiết. Do vậy chúng tương đối khỏe và hung dữ, có thể tấn công con người nếu cảm thấy bị đe dọa.
Mặc dù cá lăng đá có thể tìm thấy ở nhiều nơi, tuy nhiên cá chiên ở khu vực sông Đà vẫn nổi tiếng nhất. Thịt của cá chiên sông Đà rất chắc, mùi vị thơm ngon rất hấp dẫn.
2.7/ Cá Lăng Hơ (Cá Xác)
Cá lăng hơ hay có tên gọi khác là cá xác. Loài cá này có kích thước khá nhỏ và thường xuất hiện nhiều ở khu vực miền Tây vào khoảng tháng 4 âm lịch.
Đặc điểm nổi bật của cá xác là phần bụng hơi phình màu trắng, thân mình dài và phần đầu hình nón dẹp. Thịt của cá lăng hơ rất mềm, hương vị béo ngậy với phần bụng đầy mỡ. Do vậy nếu kho tộ, kho khô hay kho tiêu sẽ rất hao cơm.
3/ Ăn cá lăng có tốt không? Bà bầu ăn được không?
Do môi trường sống của cá lăng chủ yếu ở sông, hồ, suối và thức ăn là các loài côn trùng, ấu trùng nhỏ nên hàm lượng thủy ngân tương đối thấp. Do vậy ăn lăng sẽ không gây hại cho sức khỏe, kể cả ở bà bầu.
Không những thế, thịt cá lăng chứa rất nhiều vitamin A, cho khả năng chăm sóc sức khỏe đôi mắt rất tốt. Ăn nhiều cá lăng sẽ giúp tránh bị khô mắt, đau mắt và các bệnh về mắt khác.
Cá lăng cung cấp hàm lượng lớn Omega 3 & DHA, những dưỡng chất này giúp hỗ trợ phát triển não bộ, cải thiện trí nhớ cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, bà bầu khi ăn cá lăng cũng giúp thai nhi phát triển toàn diện tốt hơn, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh.
Ngoài ra nhiều dưỡng chất khác trong cá lăng cũng giúp giải độc cơ thể, loại bỏ các nội tiết tố độc hại giúp làn da được mịn màng hơn, ít mụn hơn và ngăn ngừa tốc độ lão hóa da
4/ Cá lăng nấu gì ngon?
4.1/ Các món cá lăng nướng
Nhắc đến cá lăng không thể không nhắc đến vị ngon của các món nướng. Cá lăng nướng muối ớt, cá lăng nướng nghệ, nướng giấy bạc,…đều mang hương vị ngon tuyệt vời.
4.1.1/ Cá lăng nướng muối ớt
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:
- Cá lăng thịt
- Hành lá, hành tím, tỏi, ớt, sả, chanh
- Gia vị nấu: Đường, nước mắm, muối, dầu hào, mật ong, màu điều
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế cá lăng trước khi ướp
- Rửa sạch cá lăng với nước muối. Phơi ráo nước để không bị trôi phần nước ướp
- Dùng dao khứa hai đường chéo ở mỗi bên mặt cá
- Trụng (chần) qua nước sôi sẽ giúp cá không còn tanh và nướng ngon hơn
Bước 2: Chế biến nước ướp cá ngon
- Nước ướp cá làm theo công thức: 1 muỗng nhỏ dầu hào + ½ muỗng canh nước mắm + 1 muỗng mật ong + 2 muỗng nhỏ màu điều + 2 muỗng dầu ăn + 2 muỗng đường + ½ muỗng nhỏ tiêu + 2 muỗng nhỏ bột ngọt + 2 muỗng nhỏ hành tím băm nhỏ + 3 muỗng nhỏ sả xay + 1 muỗng nhỏ đầu hành lá băm + ½ chén nhỏ tương ớt.
- Trộn đều các thành phần trên lại với nhau vào một âu lớn. Nếu không thích ăn cay, bạn có thể bỏ ớt, tương ớt.
Bước 3: Ướp cá lăng và nướng
- Sau khi trộn đều các thành phần, cho cá lăng vào và xốc hoặc lật đều từng miếng cá. Ướp trong 30-40 phút cho cá thấm hoàn toàn
- Cho cá lăng lên vỉ nướng và nướng
4.1.2/ Cá lăng nướng riềng mẻ
Nguyên liệu:
- Cá lăng: 1-2kg
- Cơm mẻ: 50g
- Bột nghệ, dầu mỡ
- Hành lá, thì là, ớt, tỏi, chanh, húng quế
Cách thực hiện:
- Sơ chế cá lăng sau khi đã rửa sạch với nước. Cắt cá lăng thành từng khúc có độ dày từ 1-1.5cm
- Tạo hỗn hợp nước ướp cá với các gia vị: Bột nghệ 2 muỗng, dầu mỡ 1 muỗng, mẻ 50g, nước mắm 1 muỗng, 1 muỗng nhỏ đường
- Cho cá lăng vào ướp từ 50-60 phút (Để cá thấm ngon hơn, bạn có thể bọc kín cá và để vào trong ngăn mát tủ lạnh)
- Xếp cá lên vỉ nướng khi đã thấy cá thấm gia vị
- Cá lăng nướng ăn kèm các loại rau và chuối xanh, khế rất ngon
4.1.3/ Cá lăng nướng nghệ
Nguyên liệu:
- Cá lăng thịt
- Bột nghệ, ớt
- Gia vị: Đường, nước mắm, muối, tiêu, hạt nêm
Cách thực hiện:
- Cá lăng rửa sạch, cắt lát rồi phơi ráo nước
- Trộn các nguyên liệu bột nghệ, ớt, đường, nước mắm, tiêu, hạt nêm vào chén hoặc tô
- Sau đó cho cá lăng vào ướp khoảng 25-30 phút
- Khi đã ướp thấm, cho cá vào vỉ nướng và bắt đầu nướng
4.1.4/ Cá lăng nướng giấy bạc
Nguyên liệu:
- Cá lăng thịt
- Cơm mẻ: 2 muỗng
- Mắm tôm: 1 muỗng, nghệ xay (bột nghệ)
- Hành lá, chanh, ớt, hành tím, tỏi, riềng
- Gia vị: Hạt nêm, dầu hào, đường, xì dầu
Cách thực hiện
- Cá lăng rửa sạch. Có thể chần qua nước sôi hoặc chà chanh để cá hết tanh và nhớt.
- Cơm mẻ lọc qua màng một lần để mịn hơn
- Phi thơm hành tím, riềng, tỏi đã băm nhuyễn. Sau đó lần lượt cho các gia vị 1 muỗng xì dầu, 1 muỗng dầu hào, 2 muỗng mẻ, 1 muỗng mắm tôm, ½ muỗng hạt hêm, ½ muỗng đường và nghệ xay. Trộn đều các thứ với nhau.
- Sau đó cho cá lăng vào ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ
- Khi cá đã thấm đều, xếp cá vào giấy bạc bọc kín và nướng bằng bếp than hoặc lò nướng
- Cá chín, mở giấy bọc và trải hành lá, ớt sợi và thưởng thức
4.2/ Các món cá lăng nấu, om ngon
4.2.1/ Cá lăng om chuối đậu
Nguyên liệu:
- Cá lăng nguyên con hoặc cắt khúc
- Chuối xanh: 2-3 quả
- Đậu hũ trắng: 2-3 miếng
- Hành lá, tía tô, thì là, hành tím
- Nghệ, mắm tôm, mẻ, riềng
- Gia vị nấu: Nước mắm, đường, muối, hạt nêm
Cách làm:
- Rửa sạch cá lăng hết nhớt bằng muối. Vớt để ráo nước.
- Nghệ và riềng rửa sạch và giã nát. Trộn chung nghệ, riềng với mắm tốm và một ít mẻ. Lọc qua màng và lấy nước cốt.
- Hành tím và tỏi lột vỏ và băm nhỏ
- Cho cá vào một âu đựng rồi đổ phần nước cốt trên cùng một chút tiêu, hành tím băm nhỏ. Ướp trong 25-30 phút
- Cắt đậu hũ trắng thành từng khúc vuông. Chiên sơ các mặt cho có màu vàng nhạt
- Chuối xanh rửa sạch, tước bỏ các cạnh rồi cắt khúc vừa miệng ăn. Ngâm chuối trong nước có pha chút nước giấm loãng để không bị thâm, đen
- Cho nồi om cá lên bếp, phi thơm hành tím và tỏi. Rồi cho cá lăng ướp vào nồi. Đảo đều cá cho thấm. Khi thịt cá đã se lại, cho chuối xanh vào và đảo đều.
- Cuối cùng cho thêm một tô nước lọc khoảng 1ml vào. Vặn nhỏ lửa om từ từ. Cá chín, chuối xanh mềm là có thể ăn.
4.2.2/ Cá lăng nấu măng chua
Nguyên liệu:
- Cá lăng thịt nguyên con hoặc cắt khúc
- Măng chua: 500-700g
- Cà chua: 3-4 trái
- Thơm (dứa): ¼ trái
- Ngò, hành lá, ớt, tỏi
- Gia vị nấu: Đường, nước mắm, hạt nêm, muối, tiêu
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế các nguyên vật liệu nấu
- Cá lăng rửa sạch nhớt bằng muối. Rửa lại với nước sạch và phơi ráo. Sau đó, ướp cá lăng với nước mắm, một ít muối, hạt nêm và tiêu. Ướp cá khoảng 20 phút
- Măng chua rửa sạch, phơi ráo nước. Cắt nhỏ vừa miệng ăn
- Cà chua và thơm rửa cắt thành từng miếng vừa miệng ăn
- Hành lá, ngò rửa sạch, ớt cắt từng miếng to nhỏ tùy
Bước 2: Cách nấu cá lăng măng chua
- Cho nồi nấu lên bếp. Tiếp cho dầu ăn vào. Chờ dầu ăn nóng cho tỏi đập dập vào phi thơm
- Cho cà chua và măng vào nồi. Đảo nhẹ nguyên liệu đến khi có độ mềm
- Đổ nước nấu vào. Lượng nước tùy thuộc vào nhu cầu ăn của mỗi người và nấu sôi
- Nước sôi mạnh cho từ từ cá lăng đã ướp vào. Cho tiếp thơm (dứa), ớt (nếu thích ăn cay) vào và nêm nếm vị
- Cho lửa nhỏ. Nấu từ từ trong 15-20 phút cho cá và các nguyên liệu khác chín tới
4.2.3/ Cá lăng om riềng mẻ
Nguyên liệu:
- Cá lăng: 500-700g
- Cơm mẻ, củ riềng, củ nghệ
- Hành lá, rau răm, hành tím
- Gia vị nếm: Dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, tiêu, muối
Cách làm:
- Cá lăng làm sạch, phơi ráo. Ướp một chút muối cho cá săn lại
- Cơm mẻ đem đi lọc kỹ, lấy nước mịn
- Riềng và nghệ gọt vỏ, rửa sạch và giã nhuyễn. Đối với nghệ sau khi giã nhuyễn thì vắt lấy nước
- Hành lá, hành tím, tỏi sơ chế sẵn. Tỏi, hành tím băm nhỏ
- Chiên sơ cá lăng cho vàng hai mặt cá trên chảo
- Gắp cá vào nồi om rồi cho lần lượt các nguyên liệu hành tím, tỏi đã băm nhuyễn, nước nghệ, riềng giã nhuyễn, cơm mẻ và đảo đều. Cần đảo đều tay để các gia vị thấm vào cá.
- Cho tiếp một ít nước lọc vào om. Nước chỉ cần đến thân cá
- Đậy nắp và vặn lửa nhỏ om cá từ từ trong 20-30 phút
4.2.4/ Cá lăng om hoa chuối
Nguyên liệu:
- Cá lăng tươi
- Hoa chuối rừngMắm tôm, mẻ, hành tím, tỏi
- Gia vị: Nước mắm, đường, hạt nêm, muối, tiêu
Cách thực hiện:
- Cá lăng chà với muối để trôi chất nhớt trên cá. Rửa sạch lại với nước. Cắt thành từng lát dày khoảng 1-2cm. Sau đó đem ướp với các gia vị nước mắm, một chút muối, tiêu, hạt nêm
- Mẻ đem lọc qua màng lọc để mịn hơn
- Cho nồi lên bếp và đun nóng dầu ăn. Cho hành tím, tỏi vào phi thơm. Khi đã thơm thì cho mẻ, 1 muỗng mắm tôm, hoa chuối rừng vào xào đều.
- Cho tiếp cá lăng đã ướp vào nồi và cho một ít nước vào om. Lượng nước chỉ cần vừa phải không quá nhiều
Vặn nhỏ bếp và om. Đến khi có mùi của cá lăng cùng mắm tôm và mẻ là hoàn thành
4.3/ Các món cá lăng kho
4.3.1/ Cá lăng kho nghệ
Nguyên liệu:
- Cá lăng tươi: 500-700g
- Thịt ba chỉ: 200300g
- Bột nghệ, nghệ, nước dừa
- Hành tím, hành lá, nước màu điều
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu nấu
- Cá lăng đem rửa sạch, cắt lát dày 1-2cm
- Thịt ba chỉ rửa sạch và cắt dày 2cm
- Ớt, nghệ, hành lá rửa sạch và cắt sẵn
- Bột nghệ pha chung 1 chén nước lọc, khuấy đều
Bước 2: Ướp cá lăng và thịt
- Chuẩn bị nước ướp với các gia vị: 2 muỗng nước mắm, 3 muỗng nước bột nghệ, 1 muỗng màu điều, 2 muỗng nhỏ đường, 1 muỗng nhỏ hạt nêm, ½ muỗng nhỏ muối, 1 ít bột ngọt
- Cho cá lăng và thịt ba chỉ vào nước ướp và trộn đều. Ướp trong 30-40 phút cho thấm đều
Bước 3: Kho cá lăng nghệ ngon tuyệt vời
- Cho dầu ăn vào nồi đun nóng. Cho hành tím, đầu hành lá đập dập vào phi thơm. Rồi cho tiếp nghệ cắt lát vào đảo đều
- Tiếp tục gắp phần thịt heo cho vào nồi và xào. Khi thấy thịt săn và chảy mỡ thì cho cá lăng cùng nước ướp vào
- Vặn nhỏ lửa kho từ từ cho đến khi nồi gần cạn nước thì cho nước dừa vào. Rồi cho hành lá và ớt bột (nếu muốn ăn cay)
- Kho tiếp tục cho đến khi nước gần cạn thì tắt bếp và thưởng thức
4.3.2/ Cá lăng kho tiêu
Nguyên liệu:
- Cá lăng 500g -1kg
- Tiêu xanh: 3-4 nhánh tiêu
- Bột nghệ, gừng, hành tím, tỏi, nước màu, hành lá
- Gia vị nêm nếm: Nước mắm, đường, bột ngọt, muối, dầu ăn
Cách làm:
- Cá lăng rửa sạch nhớt bằng muối mịn hoặc muối hột. Cắt lát dày 3-4cm
- Hành tím, tỏi lột vỏ và băm nhỏ. Hành lá rửa sạch và cắt phần đầu riêng
- Gừng gọt vỏ, cắt (bào) lát mỏng
- Đem cá lăng ướp với hỗn hợp gồm nước mắm, hạt nêm là 02 muỗng; muối và bột nghệ là 01 muỗng; cùng một chút bột ngọt
- Cho một ít hành tím, tỏi đã băm và một vài lát gừng
- Trộn đều hỗn hợp nguyên vật liệu với cá lăng và ướp trong 30-40 phút
- Cho hành tím, tỏi băm phi vào nồi kho có dầu ăn nóng và phi thơm. Cho thêm 1-2 nhánh tiêu xanh vào đảo đều
- Xếp từng lát cá lăng vào nồi và cho nước ướp vào kho từ từ đến khi nước ướp cạn
- Sau đó cho các nhánh tiêu xanh còn lại vào cùng ớt và ½ chén nước lọc
- Kho cá lăng liu riu tiếp cho đến nước gần cạn thì tắt bếp
4.3.3/ Cá lăng kho riềng
Nguyên liệu:
- Cá lăng tươi: 500g
- Củ riềng, nước màu, hành tím, tỏi và các gia vị nấu ăn
Cách làm:
- Cá lăng rửa sạch, cắt lát. Ướp với nước mắm, ít muối, ít bột ngọt, đường, hành tím băm nhỏ, tiêu khoảng 20 phút
- Riềng gọt vỏ và đập nhỏ
- Phi thơm hành tím và tỏi trong nồi rồi cho cá lăng vào, đảo đều. Cho tiếp 1 chén nước sôi vào
- Nước kho cá sôi lên thì cho riềng đập nhỏ vào. Kho từ từ cá trong 20-30 phút
4.3.4/ Cá lăng kho tương
Nguyên liệu:
- Cá lăng nguyên con
- Tương bần: 1 chai
- Khế xanh: 2 quả
- Hành tím, tỏi, ớt và gia vị nếm nấu
Cách làm:
- Cá lăng rửa sạch nhớt, phơi ráo nước. Cắt thành từng lát cá dày 2-3cm. Rồi ướp với các gia vị nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu, muối trong 20 phút thì đem chiên sơ hai mặt
- Khế chua rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa đủ
- Cho dầu ăn vào nồi kho, tiếp phi thơm hành tím và tỏi. Cho tiếp 2 muỗng lớn tương bần và tô đầy nước rồi nấu sôi
- Nước sôi cho từng lát cá lăng vào và vặn nhỏ lửa. Trong lúc kho, nên thường xuyên dùng vá tưới đều nước kho lên cá cho thấm đều
- Khi cá chín và nước kho hơi cạn, cho khế chua và ớt vào. Kho tiếp thêm 5-7 phút thì tắt bếp
4.4/ Cá lăng chiên giòn, chiên xù
Nguyên liệu:
- Cá lăng: 400-600g
- Bột chiên giòn hoặc bột chiên xù, trứng gà
- Hành lá, hành tím, tỏi, ớt
- Gia vị nấu ăn: Nước mắm, đường, hạt nêm, muối, tiêu
Cách làm:
- Rửa sạch cá và để ráo nước
- Chuẩn bị hỗn hợp gia vị: 1 muỗng nhỏ hạt nêm, 1 ít bột ngọt, nửa muỗng nhỏ đường, 1 ít muối
- Ướp cá lăng với hỗn hợp trong 5-10 phút
- Cho 35-40g bột chiên giòn hay bột chiên xù vào tô, nêm nếm gia vị phù hợp rồi trộn đều
- Đập 1-2 quả trứng gà vào chén. Số trứng gà phù hợp với lượng cá lăng sẽ chiên
- Cho chảo lên bếp và đổ dầu ăn vào. Đợi dầu ăn nóng, găp lát cá lăng nhúng vào chén trứng và lăn qua bột chiên giòn hoặc bột chiên xù rồi cho vào chảo
- Chiên đều hai mặt cá đến khi có mùi thơm và vàng ươm là đã chín
4.5/ Cá lăng rang muối
Nguyên liệu:
- Cá lăng
- Bột muối rang, bột mì, bột năng, bột sư tử
- Rượu hoa hồng, rượu hoa hồng
- Trứng gà, hành tím, sả
- Gia vị nấu ăn
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế mọi thứ
- Cá lăng rửa sạch. Phi lê lấy thịt dày khoảng 1-1.5cm
- Hành tím bóc vỏ cắt nhỏ. Sả lấy phần đầu, bóc vỏ ngoài, rửa sạch rồi đập dập
- Tách lòng đỏ trứng gà vào một chén riêng
Bước 2: Ướp cá lăng
- Cho cá lăng vào cái tô hoặc cái âu và ướp với các gia vị gồm nước mắm, bột ngọt và ngũ vị hương trong tầm 10 phút. Sau đó cho tiếp rượu hoa hồng cùng rượu hoa tiên và lòng đỏ trứng đã chuẩn bị và trộn đều hỗn hợp. Cho hỗn hợp vào tô/âu cá lăng đã ướp và ướp tiếp tục từ 10 đến 15 phút
- Trộn các loại bột lại với nhau
Bước 3: Thực hiện món cá lăng rang muối
- Cho chảo dầu lên bếp. Đợi dầu sôi, gắp cá lăng lăn qua hỗn hợp bột chuẩn bị rồi cho vào chảo. Chiên giòn lần lượt hết các lát cá lăng
- Sau đó lần lượt phi thơm hành tím và sả. Vớt ra để vào chung một chén
- Cuối cùng cho cá lăng chiên giòn, hành tím phi, sả phi giòn và một ít bột muối rang và xốc đều cho đến khi thấy gia vị thấm đều
4.6/ Cá lăng hấp xì dầu
Nguyên liệu:
- Cá lăng: 500g – 1kg
- Nắm hương, gừng, tỏi, hành lá
- Gia vị nấu: Muối, xì dầu, hạt nêm, đường
- Các bước chế biến món cá lăng hấp xì dầu
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu nấu
- Cá lăng rửa sạch, để nguyên con hoặc cắt lát dày 3cm
- Nấm hướng ngâm, rửa sạch và cắt sợi
- Gừng rửa sạch, cắt sợi
- Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ
Bước 2: Ướp cá lăng
- Trộn hỗn hợp gia vị gồm 2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng muối, 1 ít tiêu
- Cho cá lăng vào, trộn đều và ướp khoảng 30 phút
Bước 3: Hấp cá lăng xì dầu ngon
- Dùng ½ nấm hương và gừng cắt sợi rải đều trên dĩa hấp. Cho cá lăng lên. Cho tiếp nửa nấm hương, gừng còn lại lên bề mặt cá
- Đặt cá lăng vào nồi rồi hấp cách thủy từ 15 đến 20 phút. Cho tiếp 02 muỗng xì dầu, đường và ít nước rồi khuấy đều
- Rải đều hỗn hợp xì dầu lên cá. Hấp thêm 5-7 phút cho gia vị thấm
4.7/ Cá lăng hấp bia
Nguyên liệu:
- Cá lăng nguyên con: 700g – 1kg
- Bia: 1 lon
- Hành tím, thì là, cần tây, cà chua
- Chanh, sả, gừng, tỏi, 1 vắt me
- Gia vị: Muối, nước mắm, đường, tiêu
Cách làm:
- Cá lăng đem rửa sạch, chà sát muối cho sạch nhớt. Khứa nhẹ 2-3 đường trên thân cá
- Sả cắt dài khoảng 3cm rồi đập dập
- Rửa sạch cà chua và thái lát thành từng miếng hình múi cau. Lá thì là thì cắt gốc và rửa sạch bẩn với nước. Cây cần tây cắt thành từng khúc vừa ăn
- Hành là rửa sạch. Đầu hành cắt rời rồi chẻ làm bốn. Phần thân cắt nhỏ khoảng 2-3cm
- Ướp cá lăng với muối, tiêu, đường, nước mắm gừng, sả trong 50 phút
- Dùng sả và gừng xếp xuống đáy vỉ hấp. Rồi cho 1 ít me lên và xếp cá lên trên
- Đổ bia vào nồi hấp rồi đặt vỉ hấp lên và bật lửa
- Khi hấp được 15-20 phút, mở nắp và cho hành lá, thì là, cần tây và cà chua vào. Đậy nắp và hấp khoảng 5-10 phút rồi tất bếp
4.8/ Cá lăng trộn hành tím
Nguyên liệu:
- Cá lăng phi lê: 300 – 600g
- Hành tím Lý Sơn, giấm trắng hoặc rượu trắng
- Chanh, tỏi, gừng, ớt, thì là, lá húng, rau mùi
- Gia vị nêm nấu
Cách làm:
Bước 1: sơ chế nguyên liệu
- Cá lăng: Rửa sạch cá phi lê. Cắt thành từng lát dày khoảng 0.5cm
- Hành tím: Bóc bỏ, rửa sạch, cắt lát và ngâm trong nước cốt chanh khoảng 15 phút. Việc này giúp hành tím giảm độ hăng khi ăn
- Rau: Rửa sạch rau, ngâm muối trong 10 phút. Vớt để ráo nước. Cắt ngắn rau
Bước 2: chuẩn bị nước gia vị
- Tỏi bóc vỏ và đập dập. Cho vào chén nhỏ cùng nửa muỗng đường
- Cho tiếp 3 muỗng nước nóng vào đánh tan đường
- Rồi cho 3 muỗng nước mắm. ½ trái chanh vắt nước cốt cho vào chung với hỗn hợp trên
- Cuối cùng cho một ít ớt cắt nhỏ và trộn đều nguyên liệu
Bước 3: Trộn cá lăng với hành tím
- Nấu nước sôi cùng vài lát gừng và một ít muỗng giấm (hoặc rượu trắng)
- Trụng sơ cá lăng vào nước khi sôi và đặt vào âu hoặc nồi
- Cho hỗn hợp nước gia vị và hành tím Lý Sơn đã ngâm cùng thì là, 1 ít ớt bột (nếu muốn) vào cá lăng và trộn đều
- Lưu ý nên trộn nhẹ, tránh làm vỡ xá
- Để gia vị ngấm vào cá khoảng 5-7 phút và thưởng thức
5/ Cá lăng giá bao nhiêu tiền 1 kg? Mua ở đâu?
Giá cá lăng bao nhiêu tiền sẽ phụ thuộc vào kích cỡ, tình trạng nguồn cung và chủng loại của từng loài. Với những giống cá dễ bắt, được nuôi công nghiệp và kích thước nhỏ thường có giá thấp tới trung bình. Bảng giá tham khảo cụ thể như sau:
- Giá cá lăng đuôi đỏ: 300.000 – 500.000 VNĐ/kg
- Giá cá lăng vàng: Cá nuôi ~ 300.000 VNĐ/kg & Cá tự nhiên ~ 400.000 VNĐ/kg
- Giá cá lăng chấm: 80.000 – 100.000/ kg & Lăng chấm giống ~ 20.000 – 40.000 VNĐ/con
- Giá cá lăng sông Đà: 70.000 – 150.000 VNĐ/kg tùy từng loại
Để mua cá lăng tươi, ngon nhất bạn có thể tìm ở các khu chợ gần nơi sinh sống, nhưng nhìn chung các chợ dân sinh thường ít bán giống cá này.
Hoặc bạn có thể tìm mua ở những người lái buôn, cung cấp hải sản từ các vùng biển lên thành phố. Tuy nhiên cần lựa chọn cửa hàng có uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng.
6/ Một số nhà hàng cá lăng ngon
Vào những ngày mùa đông, thời tiết se lạnh thì nhu cầu cho một nồi lẩu cá lăng thường rất cao. Thịt cá lăng lại rất chắc, ngon nên cực kỳ hợp để nhâm nhi vài chén rượu.
Do vậy có rất nhiều nhà hàng hiện nay đang kinh doanh giống cá này. Dưới đây là một vài địa chỉ nhà hàng cá lăng ngon, rẻ bạn có thể tham khảo
6.1/ Nhà hàng cá lăng Toàn Thắng
Nằm trên con đường Bạch Đằng sát cạnh sông Hồng, quán cá lăng Toàn Thắng là địa chỉ rất hợp cho những dân nghiện cá tới thưởng thức.
Với không gian rộng rãi, thiết kế khá hiện đại và lịch sự nên khách hàng có thể tổ chức sự kiện, sinh nhật hoặc đơn giản là chỉ tụ tập anh em, bạn bè ngồi tâm sự.
- Địa chỉ: 445 Đ. Bạch Đằng, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Giờ đón khách: 9:00 – 23:00 tất cả các ngày trong tuần
- Số điện thoại: 091 321 17 40
- Mức giá tham khảo: Từ 300.000 VNĐ trở lên
6.2/ Nhà hàng cá lăng Việt Trì
Nhà hàng cá lăng Việt Trì (Mạnh Cá Lăng) nằm giữa lòng thành phố Hà Nội nên thuận tiện cho việc di chuyển của rất nhiều người. Với thiết kế mang phong cách lịch sự nên phù hợp để tổ chức họp mặt, liên hoan
- Địa chỉ: BT2 – Lô 22, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Giờ đón khách: 8:00 – 23:00 tất cả các ngày trong tuần
- Số điện thoại: 098 225 54 66
- Mức giá tham khảo: Từ 200.000 – 250.000 VNĐ
6.3/ Nhà hàng cá lăng Sông Hồng
Nằm trên mặt đường Tôn Thất Thuyết, nhà hàng cá lăng sông Hồng là địa chỉ cung cấp các món ăn ngon từ cá lăng đáng để thử.
Với không gian kín đáo, lịch sự nên phù hợp với các nhóm khách hàng đi ăn nhậu, liên hoan hoặc tổ chức sự kiện nhỏ.
- Địa chỉ: Lô 3 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
- Giờ đón khách: 7:00 – 22:00 tất cả các ngày trong tuần
- Số điện thoại: 024 3200 8444
- Mức giá tham khảo: Từ 200.000 – 300.000 VNĐ
Với những thông tin về giống cá lăng đã chia sẻ trên đây, Ngân hi vọng bạn đã tìm được cho mình câu trả lời cho vấn đề đang thắc mắc. Comment hoặc like fanpage nếu bạn thích bài viết này nha.