Cá mú (Cá song) được nhiều người ưa chuộng do chất lượng thịt cá thơm ngon, bổ dưỡng và giá cả phải chăng. Tuy nhiên nhiều người vẫn lầm tưởng cá mú là 1 loài cá cụ thể nào đó. Vậy cá mú là cá gì? Có bao nhiêu loại? Đặc điểm và chất lượng thịt ra sao? Cá song nên nấu món gì thì ngon? Giá bao nhiêu tiền 1kg? Tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây

I – Thông tin tổng quan về loài cá mú

1. Cá mú là cá gì? Có phải cá song không?

Cá mú (Cá song) tên tiếng anh là Grouper, đây là thuật ngữ chung dùng để chỉ những loài cá thuộc họ Epinephelinae. Trong đó thông thường phổ biến nhất là sử dụng cho các loài thuộc 2 chi: Epinephelus và Mycteroperca. Một số loài trong các chi Anyperidon , Cromileptes , Dermatolepis , Graciela , Saloptia và Triso đôi khi cũng được xếp chung để gọi là cá mú.

cá mú có phải cá song không

Tại Việt Nam cá mú còn được biết tới với cái tên khác là cá song, do vậy nhiều người khi tìm hiểu sẽ không khỏi băn khoăn cá song có phải là cá mú không. Thực chất tên gọi cá mú hay cá song đều là 1, tuy nhiên cá mú là cách gọi thường thấy ở khu vực miền Nam, còn cá song là thuật ngữ thường sử dụng ở miền Bắc.

2. Cá mú sống ở đâu? Ăn mồi gì?

Môi trường sống của Cá mú (cá song) thường ở các hốc đá, rạn san hô ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Với số lượng lên tới hơn 200 loài thì chúng được tìm thấy ở nhiều vùng biển trên khắp thế giới.

cá song sống ở đâu

Tại Việt Nam, cá song thường được nuôi trong các mô hình ao nước mặn tại các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An,.. & các tỉnh miền Trung, Nam bộ như: Vũng Tàu, Kiên Giang, Nha Trang.

Cá mú là loài cá ăn thịt, thực phẩm chủ yếu của chúng là những loài giáp xác, cá hoặc bạch tuộc có kích thước nhỏ hơn.

3. Đặc điểm hình thái của cá song

Cá song (cá mú) có rất nhiều loài khác nhau vì thế đặc điểm hình thái cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung chúng đều có kích thước lớn, có những loài có thể đạt chiều dài lên tới 2,5 mét và nặng tới 400kg.

đặc điểm cá mú

Ngoài ra các loài cá mú đều có phần miệng rộng, hàm dưới nhô ra so với hàm trên (móm). Răng trên hàm chúng không quá nhiều nhưng rất sắc nhọn. Ngoài ra trong yết hầu lại có những mảng răng lớn để nghiền thức ăn. Tuy nhiên nuốt chửng con mồi lại là thói quen thường thấy của loài cá này.

4. Tập tính sinh sản của cá mú

Cá song là loài cá lưỡng tính, khi còn nhỏ đa phần chúng sẽ có giới tính cái. Sau này khi lớn lên mới bắt đầu thay đổi giới tính tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước. Do đó số lượng cá mú cái thường vượt trội hơn so với con đực.

Thời gian giao phối của cá song phụ thuộc vào khu vực nuôi và khí hậu, do đó mùa sinh sản có thể kéo dài từ tháng 3 cho tới tháng 10.

Đối với những con cá mú tự nhiên, chúng sẽ đẻ trứng ở những hốc đá và rạn san hô, từ đó ấu trùng trứng sẽ trôi phù du theo dòng nước biển & phát triển. Do đó hầu hết những con có kích thước khổng lồ thường nằm ở tự nhiên.

Còn với giống cá được chăn nuôi trong ao hồ thì thường được thu hoạch chỉ sau 3 tháng. Do đó kích thước cá sẽ không quá lớn.

II – Tổng hợp các loại cá mú

Theo phân loại của tạp chí Fishes of the World, hiện nay có tới 234 loài cá mú khác nhau được phân chia thành 5 họ lớn. Dưới đây là thông tin về một số loài phổ biến nhất.

♦ Cá mú đỏ

Điểm nhận dạng của cá mú đỏ là màu sắc toàn thân đa phần là màu đỏ sẫm tới đỏ cam. Loài cá này không thể nuôi mà chỉ có thể thu được ngoài tự nhiên. Xét trong tất cả các loại thì cá song đỏ được đánh giá có chất lượng thịt ngon nhất, màu sắc bắt mắt nhất.

Cá mú đỏ

Trong những loài cá mú đỏ cũng chia ra thành nhiều chủng khác nhau, tùy thuộc vào hình dạng và đặc điểm cơ thể, bao gồm: cá mú đỏ sao, mú đỏ sao xanh (mú theo), mú đỏ bịp,…

♦ Cá mú nghệ (cá mú khổng lồ)

Cá song nghệ hay còn gọi là cá mú khổng lồ đặc trưng bởi kích thước được đánh giá là lớn nhất trong họ cá mú. Chiều dài phổ biến của loài cá này thường khoảng 1,8 mét, tuy nhiên có thể phát triển lên tới 2,7 mét. Trọng lượng lớn nhất từng được ghi nhận lên tới 400 kg.

Cá mú nghệ (cá mú khổng lồ)

♦ Cá mú đen

Cá song đen cũng chủ yếu được đánh bắt ngoài tự nhiên & khó có thể nuôi. Màu sắc của cá mú đen thường là màu xám đen hoặc oliu, trong đó sẽ có những dải đốm đen hoặc đồng điểm lên trên.

cá song đen

Loài cá này có thể đạt chiều dài lên tới 1m và trọng lượng lên tới 90kg, tuy nhiên phổ biến thường ở mức 20kg. Đối với cá thương phẩm thường thấy trên thị trường thì thường là những con khoảng 2 – 5kg.

♦ Cá mú trân châu

Cá mú trân châu không phải là loại cá thuần tự nhiên, chúng được lai tạo từ cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực. Đặc điểm nhận dạng của loài cá này là những đường sọc đen trên nền da màu ngả vàng sữa.

cá song trân châu

Cá song trân châu ít bị bệnh, sinh trưởng tốt, lớn nhanh và không tốn nhiều công chăm sóc. Thịt của cá giữ trọn vẹn hương vị như cá mú cọp và có độ săn chắc như cá mú nghệ. Vì vậy rất nhiều người nuôi cá mú đang dần ưa chuộng hơn.

♦ Cá mú cọp (cá mú hoa nâu)

Cá mú cọp hay còn gọi là cá song hổ, cá mú hổ có thân hình thuôn dài và chắc chắn. Loài cá này nhận biết với các đường đốm vằn liền mạch chạy xiên nhạt màu. Màu nền da thân cá có khả năng thay đổi tùy thuộc vào môi trường, tuy nhiên chủ yếu sẽ là màu đỏ. Cá song cọp khi còn bé thường có màu vàng và các đường đốm vằn có màu sẫm. Cá song hổ có thể đạt chiều dài tới 1 mét (phổ biến là 40cm) và trọng lượng lên tới 10 kg.

cá song cọp

♦ Cá mú sao xanh

Là tên gọi chung của những con cá mú có những đốm màu sao xanh rải khắp trên thân. Màu nền thân da cá có thể là màu đỏ, xám, đen, xanh,…. tùy thuộc vào môi trường sống.

cá song sao xanh

Loài cá này thường sống chủ yếu ở độ sâu 2 – 20 mét, với bản tính khá nhút nhát nên thường lẩn trốn rất kỹ, từ đó gây khó khăn cho người bắt.

♦ Cá mú vàng

Cá song vàng cũng có ngoại hình tương tự như những loài cá mú khác, tuy nhiên màu sắc thân, đầu, vây của chúng thường sẽ là màu vàng nhạt tới cam. Phần bụng dưới của cá chủ yếu là màu trắng hoặc hồng.

Đặc biệt có những con cá sở hữu màu sắc vàng óng toàn thân thường được gọi là cá mú hoàng kim. Đây là màu rất hiếm nên cá thường sẽ có giá trị rất cao.

cá mú hoàng kim

Vào khoảng tháng 3/2021, 1 người đàn ông ở Vinh dù được trả hơn 200 triệu đồng cho con cá song hoàng kim của mình nhưng anh vẫn quyết định không bán, thay vào đó anh thả chú cá này về với biển cả.

Điều này khá dễ hiểu bởi theo quan niệm của người Việt Nam, những con vật có màu vàng hoàng kim như vậy thường biểu trưng cho sự may mắn. Nếu bán hoặc xẻ thịt sẽ mang tới nhiều điều không may.

♦ Cá mú gù (cá mú chuột, mú dẹt)

Với chiếc lưng gù đặc biệt nên đây là loài cá rất dễ phân biệt trong họ cá song. Bên cạnh đó do phần đầu của chúng nhìn tương đối giống đầu chuột nên còn được gọi là cá mú chuột.

cá mú dẹt

Kích thước của những con cá song lưng gù thường ở mức trung bình với chiều dài tối đa khoảng 70 cm. Loài cá này có thân dẹt nên không nhiều thịt, tuy nhiên giá thành cho mỗi kilogram trên thị trường lại rất cao. Giải thích cho điều này, các thương lái nói rằng do loài cá này rất hiếm, khó đánh bắt và chất lượng thịt cực ngon.

III – Tác dụng & Giá trị dinh dưỡng của cá mú

Cá mú được nhiều người ưa chuộng cũng bởi chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng tốt đối với cơ thể.

♦ Bổ sung các loại vitamin

Cũng như nhiều giống cá biển cao cấp khác, cá mú cung cấp rất nhiều loại vitamin thiết yếu cho cơ thể con người, ví dụ

  • Vitamin B2: hỗ trợ cơ thể tiếp nhận nhiều loại vitamin khác & rất tốt cho làn da
  • Vitamin B3: Hỗ trợ cơ thể sản sinh hormone sinh dục
  • Vitamin B6: Tham gia vào quá trình sản sinh hồng cầu, máu và tăng cường hormone
  • Vitamin B9: Tăng khả năng đậu thai cho phụ nữ & giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh
  • Vitamin B12: Rất tốt cho hệ thần kinh

♦ Tốt cho não bộ

Lượng lớn axit amin và Omega 3, 6 có trong mỗi thớ thịt cá mú sẽ giúp não bộ phát triển tốt hơn. Trẻ em khi sử dụng sẽ thông minh hơn, nhớ lâu hơn, tư duy tốt hơn,….

cá mú ăn được không

♦ Giảm cholesterol

Thịt cá mú chứa rất ít chất béo, không những thế cũng là chất béo không bão hòa. Do vậy sử dụng cá song thay thế cho thịt lợn, thịt heo là phương pháp giảm hàm lượng cholesterol rất hiệu quả.

♦ Giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Hội tim mạch Hoa Kỳ luôn khuyến cáo con người nên sử dụng các loại cá chứa Omega 3 ít nhất 2 lần mỗi tuần. Omega 3 có trong cá mú sẽ hỗ trợ giảm bệnh tim mạch bằng cách:

  • Giảm chất béo trung tính
  • Điều tiết huyết áp
  • Ngăn nguy cơ đông máu
  • Ngăn đột quỵ và nguy cơ suy tim
  • Giảm nhịp tim không đều

IV – Cá mú làm món gì ngon?

1. Các món cá mú hấp

♦ Cá mú hấp xì dầu

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Hành lá, hành tây, hành tím, Gừng, giấy bạc, xà lách, húng quế, rau diếp cá
  • Gia vị: Đường, dầu hào, dầu rán, dầu mè, muối, hạt tiêu, bột ngọt, hạt nêm, giấm

cá song hấp xì dầu

Cách chế biến:

  • Cá song đem mổ & làm sạch với nước (chú ý lấy toàn bộ ruột, gân gần xương để giảm mùi tanh). Nên bóp muối & chà xát trong bụng cá 1 lần rồi rửa lại với nước.
  • Chặt cá thành từng khúc hoặc khía nhiều đường trên thân cá để thấm gia vị
  • Dùng 2 muỗng xì dầu, 1 muỗng dầu hào, nửa muỗng hạt nêm, nửa muỗng đường pha lẫn vào nhau. Sau đó ướp cá với hỗn hợp này.
  • Trải giấy bạc lên nồi hấp. Lót trên đó 1 lớp hành lá, hành tây sau đó cho cá lên trên, cuối cùng thả vài lát gừng lên trên cá.
  • Hấp cá trong khoảng 15 – 20 phút (chú ý không mở vung)
  • Phi thơm hành tây, hành lá rồi cho hỗn hợp gồm: 6 muỗng xì dầu, 3 muỗng dầu hào, nửa thìa đường vào rồi đun sôi lên.
  • Sau khi hấp cá đủ thời gian thì chắt bớt nước bên trong rồi đổ hỗn hợp xì dầu mới đun lên cá. Cuối cùng đậy vung khoảng 3 phút là xong.
  • Món cá hấp xì dầu ngon nhất khi ăn với cơm trắng

Chú ý: Nếu muốn hấp theo kiểu Hong Kong thì bổ sung thêm một vài nguyên liệu sau vào bước làm nước sốt. Ngoài (Phi thơm hành tây, hành lá rồi cho hỗn hợp gồm: 6 muỗng xì dầu, 3 muỗng dầu hào, nửa thìa đường) thì cho thêm nước hầm xương, rượu trắng & muối vào là được.

♦ Cá song hấp hành gừng

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Hành lá, gừng, tỏi băm, hành tím băm, ớt, nấm đông cô
  • Gia vị: Dầu mè, dầu ăn, xì dầu, muối, hạt nêm, tiêu, đường

cá mú hấp gừng

Cách chế biến:

  • Mổ cá mú, làm sạch với nước và muối. Sau khi làm sạch thì dùng dao khía lên thân cá để gia vị ngấm tốt hơn.
  • Pha hỗn hợp ướp cá với: nửa thìa nước tương, nửa thìa xì dầu, nửa thìa bột nêm, nửa thìa đường, hành tím băm và gừng thái sợi.
  • Ướp cá với hỗn hợp và chà xát từ trong ra ngoài để cá nhanh thấm gia vị hơn. Ướp trong khoảng 15 phút.
  • Cho cá vào nồi hấp chừng 15 phút, sau đó cho nấm đông cô vào hấp cùng thêm 10 phút nữa là hoàn thành.

♦ Cá mú hấp bia

Nguyên liệu:

  • Cá song
  • 1 lon bia
  • Hành lá, sả, cà chua, hành tím, ớt, thì là, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt

cá song hấp bia

Cách chế biến:

  • Cá song tiến hành đánh vảy, mổ cá & làm sạch với nước muối loãng.
  • Chuẩn bị nồi hấp cá. Sả chia làm đôi, một nửa xếp dưới đáy nồi. Sau đó cho cá lên trên cùng với hành, thì là, ớt, cà chua(bổ múi cau). Cuối cùng cho nốt chỗ sả còn lại lên trên.
  • Dùng 1 lon bia đổ vào nồi hấp cá (chỉ nên tưới xung quanh mép nồi, không nên tưới trực tiếp lên cá). Sau đó gia giảm thêm gia vị gồm: nửa thìa muối, nửa thìa bột ngọt, một thìa mắm, nửa thìa dầu ăn.
  • Hấp cá trong khoảng 20 – 25 phút là hoàn thành

2. Lẩu cá mú

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Cà chua, dứa, hành tím, ớt, thì là
  • Nước mắm, gia vị, dầu ăn (mỡ lợn)
  • Bún tươi

lẩu cá song

Cách chế biến:

  • Cá song đánh vảy sạch sẽ, mổ bụng loại bỏ toàn bộ ruột và gân bên trong (có thể nhờ người bán làm hộ). Sau đó rửa sạch lại với nước muối loãng. Tiếp đó chặt riêng đầu, thân và đuôi cá, riêng phần thân có thể chia thành những khúc nhỏ hơn.
  • Rửa sạch cà chua và bổ múi cau. Dứa gọt vỏ và cắt thành miếng nhỏ (bỏ cùi).
  • Phi thơm hành tím cùng với ớt, sau đó cho cà chua vào xào cùng khoảng 2 phút cho cà chua mềm ra. Trong quá trình xào nêm thêm 2 thìa mắm, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối, 1 thìa đường.
  • Xào thêm khoảng 3 phút nữa thì đổ nước vào rồi đun sôi. Trong quá trình đun nên hớt bọt để nước trong hơn. Khi nước đã sôi thì gia giảm thêm gia vị cho phù hợp. Tiếp đó cho phần đầu và đuôi cá vào. Đun thêm khoảng 5 – 10 phút nữa là đã có 1 nồi nước lẩu cá song thơm ngon.
  • Dọn nồi nước dùng ra bếp lẩu và thưởng thức cùng với phần thân cá.

3. Cháo cá mú

Nguyên liệu:

  • Cá song
  • Gạo
  • Nấm rơm, Tỏi, Hành tím, Rau đắng
  • Muối, Hạt nêm, nước mắm

cháo cá song

Cách chế biến:

  • Cá mú làm sạch (đánh vảy, mổ bụng lấy ruột và gân, bóp muối, rửa nước), có thể tự làm tại nhà hoặc nhờ người bán cá làm hộ.
  • Nấm rơm mang đi ngâm nước muối để loại bỏ cặn bẩn. Ngâm khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch.
  • Để cá ráo nước rồi cho lên chảo chiên. Rán cá khoảng 10 phút cho thịt cá săn lại rồi bắc ra.
  • Phi thơm hành tím, hành lá, tỏi sau đó cho nấm rơm vào xào trong 5 phút.
  • Gạo vo sạch và giã nhuyễn. Cho gạo đã giã vào nồi nấu cùng 2 lít nước. Trong quá trình nấu cần khuấy đều liên tục để tránh bị xát nồi.
  • Khuấy khoảng 20 – 25 phút và khuấy 1 chiều. Tiếp đó cho nấm rơm, nửa thìa muối, nửa thìa mắm và cá mú vào nấu cùng thêm 5 – 10 phút nữa là xong.

4. Cá mú chưng tương

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • 150gr thịt ba chỉ
  • Nước tương, bột ngọt, hạt nêm, tiêu, hành lá, ngò rí, gừng, ớt, hành tím, nấm mèo, nấm hương, tương hột

cá mú chưng tương

Cách chế biến:

  • Cá mú đánh vảy, loại bỏ nội tạng và rửa sạch với nước muối, sau đó để ráo.
  • Cho cá lên khay rồi rắc 1 muỗng bột ngọt, một muỗng hạt nêm, nửa thìa tiêu, 1 ít gừng thái sợi và 1 thìa nước sốt hải sản. Ướp trong khoảng 10 phút. Sau đó cho cá vào nồi hấp trong khoảng 10 phút.
  • Ướp thịt ba rọi với nửa thìa bột ngọt, nửa thìa hạt nêm trong khoảng 10 phút.
  • Phi thơm hành và đổ thịt 3 chỉ vào đảo cùng trong 3 – 4 phút. Sau đó cho nấm hương và 1 ít nước tương hải sản vào đảo cùng 3 phút. Tiếp theo cho nấm mèo vào đảo thêm 2 phút nữa là được. Gia giảm gia vị hạt nêm, bột ngọt. Cuối cùng cho 1 bát nước lọc vào và thêm 1 muỗng tương hột. Đun sôi 1 phút là được.
  • Vớt cá đã hấp chín ra đĩa và đổ nước sốt lên trên. Trình bày đẹp mắt hơn với hành lá.

5. Cá mú nấu canh chua

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Cà chua, bạc hà, đậu bắp, me chua, ngò gai, ngổ, ớt, tỏi, hành tím.
  • Mắm, muối, đường, dầu ăn, hạt nêm

cá song nấu canh chua

Cách chế biến:

  • Cá song cạo vảy, làm sạch nội tạng bên trong và rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó chặt cá thành những khúc nhỏ. Ướp cá với nửa muỗng muối, 1 trái ớt băm và hành tím trong 20 phút.
  • Phi thơm hành và tỏi trên dầu nóng. Sau đó cho cá vào chiên sơ để tránh mùi tanh khi nấu. Mỗi mặt chỉ cần chiên khoảng 1 phút là được.
  • Chuẩn bị 1 chén nước và dầm me thông qua rây. Đun sôi khoảng 1 lít nước và cho nước me đã dầm vào đun cùng. Sau đó tiếp tục cho cà chua, dứa đã bổ múi cau vào. Đợi nước sôi lại rồi tiếp tục cho cá đã chiên vào. Lần sôi thứ 3 bạn mới cho giá, đậu bắp, các loại rau và gia vị vào.
  • Đảo nhẹ nhàng và để lửa liu riu trong khoảng 5 phút là xong

6. Cá mú nướng giấy bạc

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Sả, hành lá, tỏi, ớt xanh

cá song nướng giấy bạc

Cách chế biến:

  • Cá song đánh vảy, làm sạch nội tạng và rửa nước muối loãng. Để cá ráo và khía nhiều đường trên thân cá.
  • Đập dập sả, ớt xanh, tỏi rồi trộn lẫn với nhau. Cho thêm vào 1 muỗng bột ngọt, 1 muỗng muối, 1 thìa dầu hào rồi trộn đều lên.
  • Dùng hỗn hợp trên xoa đều khắp mặt cá & bên trong bụng cá. Có thể nhét nhiều hơn vào phần thịt đã bị khứa.
  • Hành lá rửa sạch, cắt đôi và nhét hết vào phần bụng và miệng cá.
  • Ướp cá trong khoảng 10 phút và cuốn cá lại trong giấy bạc.
  • Mang cá đi nướng trên bếp than, mỗi 15 – 20 phút thì trở cá đều 1 lần. Chú ý trở đều tất cả các mặt, cạnh của cá. Làm chừng 4 lần là cá sẽ chín.
  • Mang cá ra đĩa và thưởng thức.

7. Cá mú nướng muối ớt

Nguyên liệu:

  • Cá song
  • Ớt hiểm, gừng, hành tím, nghệ, Muối, gia vị

cá song nướng muối ớt

Cách chế biến:

  • Cá song làm sạch rồi khứa nhiều đường trên thân cá.
  • Ép hoặc giã gừng để lấy nước cốt. Đổ nước cốt gừng đều lên các mặt của cá. Phần xác gừng thì nhét vào bụng cá.
  • Cho thêm vào bụng cá ớt hiểm, đường và muối. Ướp cá trong khoảng 1 tiếng.
  • Lót 1 lớp lá gừng, nghệ vào giấy bạc rồi đặt cá lên trên. Cuốn cá lại và mang đi nướng trên bếp than. Nướng mỗi mặt cá khoảng 20 phút là cá sẽ chín.

8. Cá mú kho tiêu

Nguyên liệu:

  • Cá mú
  • Hạt tiêu, Tỏi băm, chanh, nước mắm, đường

cá song kho tiêu

Cách chế biến:

  • Cá mú cạo sạch vảy, mổ bụng lôi hết ruột và gân bên trong ra. Sau đó rửa sạch với nước muối loãng. Cẩn thận có thể ngâm cá trong nước chanh loãng khoảng 5 phút để khử mùi tanh. Cuối cùng cắt cá thành các khúc vừa ăn.
  • Ướp cá với 2 thìa hạt tiêu và 3 thìa nước mắm trong khoảng 30 phút.
  • Làm nóng chảo và cho đường vào thắng. Đợi khi đường bắt đầu chảy ra thì cho 1 muỗng dầu ăn vào. Sau đó cho tiếp 2 thìa tỏi băm vào phi thơm lên. Tiếp theo cá đã ướp cùng 300 ml nước vào kho trong 15 phút. Cuối cùng nêm gia vị cho vừa miệng là được.

9. Cá mú nấu dưa chua

Nguyên liệu:

  • Cá song
  • nửa kí dưa chua
  • 2 quả cà chua, hành tím băm, giấm, rượu trắng, hành lá, thì là

cá song nấu dưa chua

Cách chế biến:

  • Cá song làm sạch nội tạng, bóp muối và rửa sạch bằng nước.
  • Chặt cá thành từng khúc và đem chiên sơ với dầu nóng (2 mặt vàng lại là được)
  • Bắc chảo phi thơm hành tây & xào cà chua bổ múi cau.
  • Khi cà chua đã nát ra thì đổ dưa chua vào xào cùng. Gia giảm hạt nêm, bột ngọt cho vừa ăn.
  • Xào khoảng 5 phút thì đổ tầm 1 lít nước lọc vào đun sôi lên. Cuối cùng cho cá đã chiên vào nấu trong khoảng 10 phút nữa là được

V – Cá mú giá bao nhiêu tiền 1 kg? Mua ở đâu?

Thông thường cá mú ít khi được bán ở chợ dân sinh, do đó bạn nên tìm mua ở các chợ chuyên về hải sản thủy sản hoặc các cửa hàng chuyên cung cấp thủy hải sản.

Theo khảo sát thì giá cá song trên thị trường hiện nay như sau

Loại cá Giá tiền
Cá mú đỏ 1.000.000 – 1.100.000 VNĐ/kg
Cá mú đen 200.000 – 300.000 VNĐ/kg
Cá mú nghệ 250.000 – 400.000 VNĐ/kg
Cá mú sao vàng 1.000.000 – 1.100.000 VNĐ/kg
Cá mú cọp 300.000 – 500.000 VNĐ/kg
Cá mú sao xanh 500.000 – 600.000 VNĐ/kg

Mong rằng qua bài viết giới thiệu về loài cá mú (cá song) thì bạn đã có thêm được nhiều kiến thức bổ ích nhất. Nếu có gì cần giải đáp vui lòng comment xuống phía dưới bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *