Chó bị ong đốt không phải là hiện tượng hiếm gặp bởi vốn dĩ chó thường khá tò mò, tinh nghịch nên dễ vô tình đụng nhầm vào tổ ong. Mặc dù sau khi bị ong đốt, chú chó có thể trở nên khá buồn cười với nhiều người không phải chủ nhân của chúng. Tuy nhiên chủ nhân của chú chó chắc hẳn sẽ rất lo lắng không biết liệu chó sau khi bị ong đốt có sao không? Nên sơ cứu và xử lý như thế nào? Cùng Tin Động Vật tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây
I – Chó bị ong đốt có biểu hiện, triệu chứng gì?
Nếu chó bị ong đốt ở phần đầu thì sẽ khá dễ để nhận biết do phần mặt, mõm, đầu sẽ trở nên sưng vù rất rõ ràng. Tuy nhiên nếu chó bị đốt ở các khu vực khác như chân, thân mình, đuôi,… thì sẽ khiến chủ nhân khó nhận biết hơn. Bởi những vết sưng thường sẽ bị lông che phủ, khó quan sát thấy nếu không chú ý.
Vì vậy nếu thấy chú chó của bạn có vẻ khác thường và xuất hiện những triệu chứng dưới đây thì rất có thể chúng đã bị ong đốt:
- Rên ư ử kéo dài (do đau đớn)
- Chó có hành động ôm vào chân (nếu bị đốt vào chân)
- Chó đi cà nhắc, khập khiễng
- Chó liên tục gặm, cắn vào khu vực bị đốt
- Chó liên tục lắc đầu và liếm môi (trường hợp chó bị đốt vào miệng hoặc nuốt phải ong)
- Da bị sưng tấy và trở nên đỏ ửng
- Chảy nước dãi
Tùy thuộc vào độ mạnh nọc độc của ong, thể trạng và sức chịu đau của chó mà sẽ có mức độ biểu hiện triệu chứng rõ ràng khác nhau. Do vậy bạn nên tinh ý để kiểm tra ngay khi thấy chó có biểu hiện bất thường.
II – Chó bị ong đốt có sao không? Có nguy hiểm không?
Mỗi con chó sẽ có hệ miễn dịch và độ mẫn cảm khác nhau với chất độc, vì vậy sẽ có những con chó chỉ bị đau đớn và khó chịu sau khi bị ong đốt. Nhưng cũng có con chó sẽ xuất hiện những phản ứng tiêu cực như sốc phản vệ. Khi đó lượng histamine sẽ tăng đột ngột khiến chó bị tụt huyết áp, giãn mao mạch, phù nề, gan phổi bị ảnh hưởng & có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Những hiện tượng dị ứng nguy hiểm với chất độc của ong thường sẽ xuất hiện sau khoảng 20 phút kể từ khi bị đốt, nhưng vẫn có trường hợp vài tiếng sau mới xuất hiện. Một số biểu hiện cho thấy chó sắp bị sốc phản vệ bao gồm:
- Tiêu chảy, nôn mửa
- Chảy nhiều dãi
- 4 chân đều lạnh toát
- Nướu trở nên nhạt màu
- Chóng mặt, mất thăng bằng
- Kích động, Co giật
- Hôn mê
Đặc biệt, một số con chó bị ong đốt vào bên trong miệng hoặc nuốt phải ong sẽ khiến họng chúng bị sưng tấy, từ đó làm tắc nghẽn đường thở khiến chó khó thở hoặc thở khò khè. Vì thế trong tất cả những trường hợp chó có biểu hiện đặc biệt trên, bạn cần nhanh chóng đưa chó tới gặp bác sĩ thú y.
III – Cách xử lý cấp tốc khi chó bị ong đốt
Khi nhận thấy chú chó của mình bị ong đốt, điều đầu tiên là bạn cần giữ bình tĩnh và không hoảng hốt. Sau đó lần lượt thực hiện những bước dưới đây
Bước 1 – Xác định & loại bỏ ngòi độc
Thông thường nếu chó bị ong bắp cày hoặc ong vò vẽ đốt thì sẽ không có ngòi độc ghim lại trên cơ thể chúng. Tuy nhiên nếu bị các loài ong khác đốt thì sẽ có ngòi độc cắm lại trên da và tiếp tục bơm thêm chất độc vào khiến chó đau đớn.
Nếu thấy ngòi độc, bạn nên sử dụng móng tay hoặc thẻ cứng (thẻ atm, card visit) để cào bỏ ngòi ong đi. Tuyệt đối không dùng nhíp để rút ngòi ra, việc này sẽ khiến nọc độc tiết ra nhiều và nhanh hơn, từ đó khiến chó càng đau đớn hơn và phản ứng dữ dội.
Bước 2 – Làm dịu vết ong đốt
Dùng chanh, giấm hoặc pha một chút baking soda với nước và thoa lên khu vực bị đốt. Nếu có quá nhiều vết đốt bạn có thể tắm cho chó bằng bột yến mạch
Bước 3 – Giảm thiểu sưng tấy
Dùng túi chườm đá và chườm lên khu vực bị ong đốt của chó trong khoảng 15 phút. Điều này vừa khiến chó bớt đau hơn và sẽ giảm mức độ sưng tấy cho chúng. Nếu có quá nhiều vết đốt thì bạn có thể làm lạnh 1 chiếc khăn lớn, sau đó đắp lên người chó.
Bước 4 – Ngăn các phản ứng dị ứng
Để giúp chó đảm bảo tránh các tác hại từ phản ứng dị ứng, bạn có thể cho chúng uống 1 liều kháng histamine, ví dụ diphenhydramine (biệt dược: Benadryl®, Vetadryl®). Liều lượng khuyến cáo là 2 mg trên mỗi 1kg, ví dụ chó nặng 10 kg sẽ cần 20 mg.
Và tốt nhất bạn nên đưa chó tới phòng khám thú y để bác sĩ quyết định có nên cho uống không. Ngoài ra có thể bác sĩ sẽ xem xét bán cho bạn những ống tiêm epinephrine, đây là thuốc dùng cho những trường hợp khẩn cấp khi đi xa, không có phòng khám thú y.
Bước 5 – Chăm sóc chó sau khi bị ong đốt
Sau khi đã điều trị khẩn cấp cho chó, bạn cần ngồi quan sát chó trong vòng vài giờ để xem chúng có xảy ra phản ứng phản vệ nào không. Nếu không có thì vẫn cần theo dõi kỹ trong vòng 24h tiếp theo để đảm bảo an toàn nhất có thể.
Cuối cùng hãy đeo cho chúng vòng cổ tránh gãi. Cảm giác ngứa sẽ khiến chó liên tục dùng chân hoặc gặm vào khu vực bị ong đốt, như vậy vết thương sẽ lâu lành hơn hoặc thậm chí gây nhiễm trùng.
Trường hợp chó bị ong đốt bên trong miệng, hãy chuyển loại thức ăn sang dạng mềm hoặc nước để chúng dễ sử dụng hơn. Nếu hạt khô thì cũng nên làm mềm trước bằng nước.
IV – Những lưu ý để hạn chế chó bị ong đốt
Mặc dù rất khó để kiểm soát và phòng tránh hoàn toàn 100% tuy nhiên với một số lưu ý dưới đây, bạn vẫn có thể giúp giảm tỷ lệ chó bị ong đốt xuống mức thấp nhất
- Đảm bảo không có tổ ong gần khu vực chó sinh sống
- Hạn chế cho chó chui rúc vào bụi rậm, khu vực nhiều hoa khi chơi ngoài trời.
- Không xịt nước hoa lên chó, bởi nước hoa sẽ thu hút lũ ong tới
- Chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối để dắt chó đi dạo hay thả chó đi chơi. Bởi ong thường sẽ hoạt động mạnh vào buổi trưa, thời điểm nắng nóng nhất.
Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được cách xử lý khẩn cấp khi chó bị ong đốt. Nếu có phần nào chưa được giải đáp rõ, hãy bình luận phía dưới bài viết này nhé.