Cua dừa đối với những người chưa tìm hiểu về chúng thì là sinh vật tương đối lạ, thậm chí có nhiều người còn không nghĩ chúng là cua. Vậy cua dừa là cua gì? Sống ở đâu? Khác gì ốc mượn hồn? Giá bao nhiêu 1kg? Làm món gì ngon? Tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây
I – Cua dừa là cua gì? Sống ở đâu?
Cua dừa (Birgus latro. Coconut Crab) là một loài động vật chân đốt sống trên cạn lớn nhất thế giới. Khi trưởng thành, chúng có thể đạt cân nặng lên tới 4.1 kg và chiều dài lên tới 1m (tính khoảng cách giữa 2 chân).
Thuật ngữ cua dừa cũng được đặt dựa vào nơi sinh sống & tập tính thói quen của chúng. Loài cua này được tìm thấy trên các thân cây dừa ở các hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương,… Tại Việt Nam thì thường xuất hiện ở các tỉnh miền Tây như Bến Tre.
II – Đặc điểm ngoại hình của cua dừa
Cua dừa có phần thân mình tương đối lớn & sở hữu 10 chiếc chân, trong đó mỗi chân sẽ đảm nhiệm những nhiệm vụ và chức năng khác nhau.
- Cặp chân phía trước (thường gọi là càng) có kích thước lớn nhất có nhiệm vụ cắp thực phẩm, con mồi & hỗ trợ bám vào thân cây dừa. Chiếc càng bên trái thường lớn hơn bên phải.
- 2 cặp chân tiếp theo cũng có kích thước lớn với đầu nhọn được sử dụng để đi lại & bám vào thân cây dừa.
- Cặp chân thứ 4 thường được cua dừa sử dụng để neo bám vào vỏ dừa, vỏ mượn khi còn nhỏ.
- Cặp chân cuối cùng đối với cua cái thường sử dụng để ấp trứng còn với cua đực là để giao phối
Tùy vào từng vùng miền, khí hậu mà cua dừa sẽ có màu sắc khác biệt đôi chút. Dải màu thông thường là từ đỏ cam tới xanh tía. Tuy nhiên màu xanh lam và màu đỏ là có số lượng nhiều nhất.
Mặc dù là loài cua sống ở các vùng ven biển, thế nhưng cua dừa lại hoàn toàn không biết bơi. Nếu bị rớt xuống nước thì chúng sẽ chết trong vòng 1 tiếng đồng hồ nếu không được vớt lên.
III – Vòng đời và tập quán sinh sản của cua dừa
Cua dừa là loài động vật ký cư có vòng đời tương đối dài, trung bình dao động từ 40 – 60 năm. Mùa sinh sản của chúng thường trong khoảng tháng 5 – tháng 9.
Ngay sau khi giao phối, con cái sẽ đẻ trứng ngay và lưu trữ ở phần dưới bụng trong vài tháng. Khi trứng sắp nở thì cua dừa cái sẽ di chuyển tới gần bờ biển & phóng thích trứng vào đại dương.
Trứng sẽ trôi nổi và phát triển trong vòng 25 – 33 ngày sau đó lắng xuống đáy biển. Tại đây các con cua dừa non sẽ tìm vỏ bảo vệ phù hợp và di chuyển dần lên cạn. Sau khi lên cạn chúng sẽ không bao giờ quay trở lại biển nữa và mất đi khả năng hô hấp dưới nước.
IV – Cua dừa ăn gì? Nuôi như thế nào?
Đúng như tên gọi của chúng, thực phẩm chủ yếu của loài cua này sẽ là những trái dừa. Chúng sử dụng 2 chiếc càng khỏe mạnh để hái và bổ đôi trái dừa.
Có lẽ sẽ rất khó hiểu vì sao một con cua dừa nhỏ bé mà có thể bổ được trái dừa thủ công, điều mà con người cũng không mấy ai làm được.
Theo các nhà khoa học lực ép của tay con người dao động từ 1100 – 1300 Newton, tuy nhiên lực kẹp của càng cua dừa trưởng thành lên tới hơn 3300 Newton. Vì vậy việc tách 1 trái dừa không phải điều khó khăn đối với loài cua này.
Tuy nhiên cua dừa không phải lúc nào cũng chỉ ăn dừa, mà bên cạnh đó chúng cũng ăn rất nhiều loại thức ăn khác như hoa quả, lõi cây, chim biển, bọ hung, chuột,…. Do khứu giác phát triển rất nhạy nên chúng có thể phát hiện mùi thức ăn từ rất xa.
Để nuôi cua dừa làm cảnh cũng không hề khó, bạn có thể nuôi chúng trong hộp nhựa và cho chúng ăn cùi dừa mỗi ngày là được. Thỉnh thoảng có thể đổi bữa cho chúng bằng thịt hoặc hoa quả khác.
V – Cách phân biệt cua dừa và ốc mượn hồn (cua ẩn sĩ)
Do cua dừa có ngoại hình tương đối giống với ốc mượn hồn, do đó thường khiến nhiều người nhầm lẫn. Cách phân biệt tương đối đơn giản.
Đối với cua ẩn sĩ thì chúng sẽ luôn mang trên mình vỏ bảo vệ, còn cua dừa hoàn toàn trần trụi và không mang vỏ bảo vệ.
Lý do cho việc bạn vẫn thấy 1 số con cua dừa mang vỏ bảo vệ trên lưng là bởi đó chỉ là chúng đang trong giai đoạn nhỏ, chưa phát triển hết.
Khi đạt tuổi trưởng thành thì chúng sẽ tự đắp lên phần thân mình 1 lớp kitin và đá phấn. Những chất này sẽ tạo ra 1 lớp bảo vệ cứng chắc, do đó chúng sẽ không cần phải mang vỏ bảo vệ nữa. Và cũng chính vì không có vỏ bảo vệ nên kích thước cơ thể chúng được tự do phát triển.
VI – Cua dừa có ăn được không?
Với kích thước thân mình lớn & chất lượng thịt ngon ngọt, chắc và thơm nên cua dừa vốn dĩ vẫn là món ăn rất phổ biến của người dân miền biển. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng thịt cua dừa cũng có tác dụng tương tự như 1 loại thuốc kích thích tình dục.
Chính vì có quá nhiều lợi ích như vậy nên loài cua này cũng đang đối mặt với nạn khai thác quá mức. Giờ đây không chỉ những người miền biển ăn nữa, họ còn bắt để mang tới các thành phố lớn kinh doanh.
Bên cạnh đó có một vài ý kiến lo sợ rằng cua dừa ăn liệu có độc không? Thực tế bản chất thịt của loài cua này không độc, tuy nhiên nếu ăn nhầm phải những con cua ăn linh tinh thì cũng có thể bị ngộ độc. Và trên thế giới cũng đã ghi nhận 1 vài trường hợp bị ngộ độc.
VII – Một số món ăn ngon từ thịt cua dừa
♦ Cua Dừa hấp sả
Món hấp luôn là cách chế biến để giữ trọn vẹn hương vị và chất dinh dưỡng của món ăn. Để làm món cua dừa hấp sả, bạn thực hiện như sau.
Nguyên liệu
- Cua dừa
- Sả
- Nồi hấp
Cách chế biến
- Rửa sạch cua dừa bằng nước sạch & làm chúng ngỏm bằng cách dội nước nóng hoặc dao
- Đổ 1 ít nước vào nồi hấp & xếp sả xuống dưới. Sau đó đặt cua vào nồi và hấp trong 20 phút.
♦ Cua Dừa rang muối
Nguyên liệu
Cua dừa
Gia vị: Muối, hạt tiêu, tỏi, hạt nêm, hành tím, bột ngọt, bột tỏi, ớt bột, ngũ vị hương
Ớt chuông, hành lá
Cách chế biến
- Cua dừa rửa sạch và làm ngộp bằng nước nóng.
- Tách các bộ phận như chân, càng cua riêng ra với nhau. Tiếp đó ướp với các loại gia vị muối, hạt tiêu, hành tím, hạt nêm, tỏi, bột ngọt. Ướp khoảng 30 phút cho thấm gia vị
- Tẩm cua dừa đã ướp gia vị với bột chiên & tiến hành chiên ngập dầu
- Rang tôm khô, hạt điều, bột chiên xù trên chảo nóng. Sau đó cho thêm 1 ít chà bông, muối, đường, tiêu, ngũ vị hương, bột tỏi, ớt bột vào trộn lẫn với nhau. Cuối cùng dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn.
- Bắc chảo dầu nóng lên bếp và phi thơm tỏi, hành tím, hành lá, ớt chuông & sau đó cho cua đã ướp vào đảo cùng.
- Đảo khoảng 3 phút thì rắc phần hỗn hợp tôm khô chà bông muối đã xay nhuyễn vào chảo. Tiếp tục đảo thêm 5 – 10 phút sau đó bắc ra thưởng thức.
VIII – Cua Dừa giá bao nhiêu tiền 1 kg? Mua ở đâu?
Hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TpHCM thì nguồn cua dừa được nhập chủ yếu từ Nhật Bản. Tùy vào từng địa chỉ, thời điểm mà giá tiền cũng sẽ chênh lệch đôi chút.
Theo bao giá của một số cửa hàng thủy hải sản lớn tại Hà Nội, TpHCM thì giá cho mỗi kg cua dừa đang ở mức 500.000 VNĐ.
Tiêu chuẩn cho mỗi con cua được bán ra sẽ ở size từ 2 – 4 kg/con & bán theo quy cách nguyên con, không tách lẻ. Do đó bạn sẽ cần chi trả từ 1.000.000 – 2.000.000 VNĐ cho mỗi con cua dừa.
Mong rằng qua bài viết giới thiệu về cua dừa thì bạn đã có thêm cho mình nhiều kiến thức mới. Nhớ like, share và rate 5 sao bài viết dùm Ngân nha.