Cua pha lê Úc trong những năm gần đây đang thu hút rất nhiều thực khách bởi chất lượng thịt thơm ngon cùng cái giá tương đối “đau ví”. Vậy cua pha lê là cua như thế nào? Có gì đặc biệt? Giá bao nhiêu 1 kg? Làm món gì ngon? Tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
I – Cua pha lê là cua gì? Sống ở đâu?
Cua pha lê (Crystal Crabs) hay còn gọi là cua bạch tạng, cua thủy tinh là một giống cua chỉ sinh sống ở vùng biển phía Tây Úc & Nam Úc. Điểm đặc biệt của loài cua này là toàn thân có màu trắng & không bao giờ bị đổi màu, kể cả khi đã chế biến thành món ăn.
Cua Bạch Tạng thường sống khá sâu dưới lòng đại dương, các ngư dân cho biết những con cua cái thường tìm thấy ở độ sâu 300-400 mét, trong khi đó con đực thường xuất hiện ở độ sâu 800 – 900 mét. Ở khoảng độ sâu 500 – 600 mét thì mật độ cua đực & cái khá đồng đều.
Chú ý: Một số người có thói quen gọi giống cua này là cua tuyết trắng, cua tuyết Úc. Tuy nhiên cách gọi này sẽ dễ khiến nhiều người nhầm lẫn thành giống cua tuyết Bắc Cực, trong khi đây là 2 loài khác nhau.
II – Đặc điểm hình thái của cua pha lê
Cũng giống như nhiều loài cua khác, cua pha lê cũng có 8 chân & 2 càng. Thức ăn chủ yếu của chúng là thực vật, sinh vật phù du, tôm nhỏ & cả động vật chết.
Khi đạt tới độ trưởng thành hoàn hảo, phần mai của cua đực có thể đạt tới 17 cm và cua cái là 15 cm. Trọng lượng trung bình sẽ dao động từ 1,8 – 2kg.
Loài cua này phát triển tương đối chậm, chúng thường tốn từ 13 – 15 năm để phát triển cơ thể tới mức hoàn hảo. Tuổi thọ của cua bạch tạng thường rơi vào từ 25 – 30 năm.
Tìm hiểu thêm:Cua Mặt Trăng là cua gì?
III – Cua tuyết trắng Australia ăn được không? Có ngon không?
♦ Review từ anh Hưng
Tôi đã có cơ hội được thưởng thức cua pha lê khá nhiều lần. Cảm nhận riêng của tôi là rất thích phần gạch cua, hương vị của nó tuy béo, thơm ngậy nhưng không gây ngán. Về phần thịt thì tuy săn chắc, thơm ngon nhưng tôi không đánh giá cao như cua hoàng đế. Tôi cảm thấy nếu đem cua bạch tạng hấp với rượu hoa điêu là ngon nhất.
♦ Review từ chị Phương
Do con cua bạch tạng này nhìn rất lạ, bắt mắt và giá lại còn cao nên mình rất tò mò. Khi mua về hấp lên thì vẫn không thấy chúng bị đổi màu, thậm chí thịt bên trong cũng vẫn là màu trắng chứ không hồng. Cảm nhận của tôi về thịt cua pha lê là dai, chắc, thơm, ngậy và ngon. Cá nhân tôi thấy nếu hấp nước dừa sẽ tăng thêm mùi thơm của cua rất nhiều.
Đọc ngay: Cua dừa khổng lồ có ăn được không?
IV – Cua pha lê làm món gì ngon?
♦ Cua pha lê hấp nước dừa
Nếu muốn giữ trọn vẹn 100% hương vị của cua pha lê thì bạn nên chọn món hấp. Cách làm rất đơn giản & không cần chuẩn bị quá cầu kỳ
Nguyên liệu
- Cua pha lê
- 3 – 4 trái dừa
- Nồi hấp
Cách chế biến
- Rửa sạch cua và đặt vào nồi hấp
- Dừa bổ ra lấy nước và châm vào nồi hấp. Có thể lọc cùi dừa ăn hoặc cho vào nồi hấp chung.
- Hấp cua trong khoảng 30 phút rồi thưởng thức.
♦ Cua bạch tạng rang muối
Nguyên liệu
- Cua pha lê
- Tôm khô, ruốc, muối, hành tây, ớt, tỏi, hạt điều
Cách chế biến
- Cua rửa sạch, tách vỏ và chặt đôi. Phần càng có thể đập dập để gia vị dễ thấm vào hơn.
- Ướp cua với muối, hạt tiêu, bột ngọt, hạt nêm, tỏi, hành tím trong khoảng 10 phút
- Lăn cua đã ướp qua 1 lớp bột chiên và chiên trên chảo dầu nóng rồi vớt ra.
- Tôm khô & hạt điều rang sơ qua khoảng 3 – 4 phút. Sau đó trộn lẫn với bột chiên xù, ruốc, muối, hạt tiêu, bột ngọt, hạt nêm, đường, ngũ vị hương, bột ớt. Cuối cùng cho vào máy xay nhuyễn.
- Phi thơm hành tây, tỏi, ớt, hành lá rồi cho cua đã chiên vào đảo cùng. Được khoảng 3 phút thì cho hỗn hợp đã xay vào đảo thêm 5 phút nữa là hoàn thành.
♦ Cua thủy tinh sốt ớt
Nguyên liệu
- Cua pha lê
- Gia vị: 100gr tương ớt, 50gr tương cà, 10gr hành tím, 5gr gừng băm, 20gr tỏi băm, 10gr đường, ớt bột
Cách chế biến
- Bóc mai cua, lột sạch phần yếm & chất bẩn rồi đem đi rửa sạch. Sau đó chặt đôi cua và tách chân, càng để dễ chế biến.
- Chiên cua trên chảo dầu nóng khoảng 3 phút.
- Phi thơm tỏi băm, hành tím, gừng rồi cho tương ớt, tương cà vào đảo trên lửa nhỏ khoảng 3 phút. Sau đó cho thêm 1 cốc nước lọc vào đun cùng.
- Đợi nước sốt sôi lại và chuyển thành hơi sệt thì đánh tan 1 quả trứng gà cho vào. Chú ý đổ chậm và đều tay.
- Đổ cua đã chiên vào đun cùng với nước sốt trong 5 phút. Cuối cùng cho bột ớt vào theo khẩu vị.
- Dọn ra đĩa và thưởng thức cùng với bánh bao chiên.
Tìm hiểu: Cua Đá có những loại nào? Ăn có độc không?
V – Cua pha lê giá bao nhiêu tiền? Vì sao lại đắt?
Khảo sát tại một số cửa hàng chuyên cung cấp hải sản lớn tại Hà Nội, TpHCM thì giá cho mỗi kg cua pha lê dao động từ 2.000.000 – 2.200.000 VNĐ. Như vậy để mua được cua bạch tạng nguyên con (1,5 – 2 kg) thì bạn phải chi ra khoảng 3.500.000 – 4.000.000 VNĐ
Nếu so sánh với nhiều loại cua nổi tiếng khác như cua hoàng đế, bạn sẽ thấy giá cua bạch tạng australia cao hơn khá nhiều. Lý do giải thích cho mức giá này chính là sản lượng & nơi cung cấp cua.
Loài cua này do chỉ có thể đánh bắt tại vùng biển Tây Úc, do đó sẽ không có quốc gia nào được quyền khai thác ngoại trừ ngư dân Úc.
Ngoài ra chính phủ Úc cũng giới hạn sản lượng khai thác mỗi năm (~ 151 tấn), bên cạnh đó muốn nhập khẩu về Việt Nam cũng cần được chính phủ Úc cấp phép và phải thông qua hải quan cùng nhiều cơ quan liên quan khác kiểm tra. Do đó chi phí cuối cùng tới tay người tiêu dùng sẽ tương đối cao.
Do đó nếu muốn thưởng thức loài cua tuyết trắng Australia bạn nên đặt trước với cửa hàng, bởi nhiều chủ tiệm cho biết cua sẽ hết rất nhanh, thậm chí không có hàng cho khách mua vãng lai.
VI – Mua cua bạch tạng ở đâu tại Hà Nội, TpHCM?
Cua pha lê là giống cua hiếm & đắt đỏ nên bạn không thể mua tại các chợ dân sinh hoặc siêu thị. Bạn cần tới các cửa hàng chuyên nhập khẩu hải sản lớn & đặt trước để họ nhập về.
Bạn nên tìm hiểu trước về độ uy tín của các cửa hàng, tránh các đơn vị không có địa chỉ cửa hàng rõ ràng & thông tin mập mờ.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc biết thêm về loài cua pha lê Australia. Nếu có thắc mắc bạn vui lòng comment xuống phía dưới nha.