Mèo bị nôn mửa tuy không quá nghiêm trọng nhưng cũng là dấu hiệu báo động mèo đang gặp vấn đề về sức khỏe hoặc vấn đề trong cách chăm sóc. Vậy nguyên nhân nào khiến mèo bị mửa? Khi mèo bị ói phải làm gì để chữa trị?

I – Mèo bị nôn là do nguyên nhân gì?

Mèo bị nôn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số lý do phổ biến nhất:

  • Do búi lông: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến mèo bị nôn mửa. Khi mèo tự liếm lông để làm sạch, chúng sẽ vô tình nuốt cả những sợi lông bị rụng, từ đó lâu dần sẽ tích tụ trong dạ dày, dẫn đến việc hình thành các cục lông gây nôn
  • Các vấn đề về chế độ ăn uống: Mèo có thể rất nhạy cảm với những thay đổi trong chế độ ăn uống. Nếu bạn đột ngột thay đổi loại thức ăn hoặc cho mèo ăn các loại đồ ăn không đảm bảo chất lượng thì có thể khiến chúng bị rối loạn tiêu hóa và nôn mửa.
  • Nuốt phải dị vật: Mèo thường rất hay tò mò với mọi vật xung quanh và chúng có thể nuốt phải những thứ như đồ chơi, dây chun hoặc dây nịt. Những dị vật này có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, dẫn đến nôn mửa.
  • Ký sinh trùng: Các loại ký sinh như giun tròn hoặc sán dây, có thể gây nôn ở mèo. Chúng thường sống trong ruột và nếu nhiễm nặng có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác.
  • Nhiễm trùng: Khi cơ thể mèo phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn, vi rút hoặc nấm có hại, nó sẽ kích hoạt một loạt phản ứng nhằm loại bỏ mầm bệnh. Phản ứng miễn dịch cũng có thể kích hoạt giải phóng một số hóa chất, chẳng hạn như cytokine, có thể gây buồn nôn. Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, dẫn đến viêm, kích ứng dạ dày và ruột, cũng có thể gây nôn
  • Vấn đề sức khỏe: Các bệnh gan, thận, cường giáp hoặc tiểu đường, có thể gây nôn ở mèo. Những bệnh này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và có thể gây nôn mửa như một triệu chứng phụ.

mèo bị nôn mửa

II – Chuẩn đoán lý do mèo nôn mửa theo một số trường hợp cụ thể

1. Mèo bị nôn ra thức ăn

Khi mèo bị ói ra thức ăn (bao gồm cả thức ăn khô) cho thấy chúng đang gặp vấn đề về tiêu hóa. Có rất nhiều nguyên nhân có thể kể tới như ăn quá nhanh, dị ứng thức ăn, búi lông trong ruột hoặc viêm dạ dày.

mèo bị nôn ra thức ăn

Tuy nhiên bạn có thể quan sát kỹ biểu hiện của mèo và phỏng đoán lý do chính xác việc mèo mửa ra thức ăn.

  • Quan sát tốc độ ăn của mèo: Nếu mèo ăn quá nhanh, thức ăn liên tục được nhồi vào cơ thể sẽ khiến dạ dày không kịp tiêu hóa. Theo cơ chế tự bảo vệ, cơ thể của mèo sẽ tự tạo ra phản ứng đẩy ngược thức ăn chưa được tiêu hóa ra ngoài
  • Kiểm tra đồ ăn của mèo: Hiện tượng mèo nôn ra đồ ăn có thể do chúng bị dị ứng thúc ăn. Nếu thức ăn cho mèo được chế biến hầu hết từ cá, bạn thử đổi sang các loại thức ăn khô hoặc thức ăn ít protein hơn.
  • Quan sát phân & tần suất đi vệ sinh: Táo bón cũng có thể khiến mèo mửa ra đồ ăn. Bạn cần quan sát tần suất đi vệ sinh và phân của mèo. Nếu phân khô cứng rất có thể mèo đang bị táo bón.

Cuối cùng, nếu không thấy dấu hiệu nào rõ ràng thì có thể mèo đang gặp các vấn đề khác nghiêm trọng hơn như viêm dạ dày, nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc thậm chí là ung thư.

2. Mèo bị nôn bọt trắng, dịch vàng

Nguyên nhân phổ biến nhất khi mèo nôn ra bọt trắng, dịch vàng là do đói bụng. Thông thường khi gần tới giờ ăn hàng ngày, hoặc mèo cảm nhận sắp được cho ăn thì cơ thể sẽ tiết ra dịch vị, mật vàng và axit clohydric.

Những loại dịch vị này có nhiệm vụ sẵn sàng chờ đợi thức ăn để tiêu hóa, đảm bảo hệ thống đường ruột và dạ dày của mèo ổn định.

mèo bị nôn ra dịch vàng

Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà mèo không được cho ăn ngay, cơ thể của mèo sẽ tạo ra phản ứng để loại bỏ nhanh chóng axit ra ngoài. Do vậy bạn sẽ thấy mèo bị ói ra bọt màu trắng hoặc lẫn cả dịch màu vàng

Vì vậy nếu mèo đơn thuần chỉ nôn ra bọt trắng, bọt vàng ở tần suất ít và không lẫn biểu hiện nào khác thì bạn không cần quá lo lắng. Đảm bảo cho mèo ăn đúng giờ và giảm tốc độ ăn của chúng xuống.

3. Mèo bị nôn ra máu

Mèo bị ói ra máu là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn bên trong cơ thể. Những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm: viêm loét dạ dày, viêm đường ruột, giảm bạch cầu, nhiễm ký sinh trùng, rối loạn đông máu hoặc ăn phải dị vật

Dù là bất cứ nguyên nhân gì, nếu thấy mèo bị mửa ra máu tốt nhất bạn nên đưa chúng tới gặp bác sĩ thú y.

4. Mèo ói ra lông

Mèo là loài động vật rất sạch sẽ và thường có thói quen liếm lông. Do đó, những sợi lông yếu hoặc lông chết sẽ vô tình bị mèo liếm và nuốt vào bụng.

nguyên nhân khiến mèo nôn ra lông

Ban đầu khi lông chưa tích tụ nhiều sẽ chỉ thi thoảng khiến mèo bị nôn ra dịch vàng, bọt trắng. Tuy nhiên khi lông quá nhiều, tích tụ thành các khối lớn sẽ làm tắc nghẽn đường ruột và gây đau dạ dày.

Biểu hiện rõ nhất khi khối lông mèo tích tụ quá lớn là mèo nôn ra bọt trắng và bỏ ăn. Do vậy nếu thấy mèo lờ đờ, chán ăn và thường xuyên bỏ bữa từ 2 – 3 ngày thì cần đưa tới bác sĩ thú y ngay.

5. Mèo mửa ra giun sán

Nếu mèo ói ra giun sán thì chắc chắn mèo đã bị nhiễm giun trong ruột. Nguồn lây giun sán cho mèo phổ biến nhất bao gồm: sữa mèo mẹ bị nhiễm giun, ăn nhầm động vật hoặc ấu trùng giun, liếm phải phân dính trên lông,..

Trường hợp mèo nôn ra giun, bạn chỉ cần hỏi bác sĩ thú y và mua các loại thuốc tẩy giun cho mèo uống là được. Nếu uống thuốc mà không thấy đỡ mới mang tới bệnh viện thú y.

III – Mèo bị nôn phải làm sao?

Khi thấy chú mèo của mình bị nôn, bạn cần quan sát kỹ những gì mà chúng nôn ra. Nếu chỉ đơn thuần là bọt trắng, dịch vàng hoặc lông thì bạn cũng không cần quá lo lắng & có thể thực hiện một số việc sau:

  • Ngừng cho mèo ăn uống: Nếu mèo của bạn bị nôn nhiều lần, hãy loại bỏ thức ăn và nước uống của chúng trong vài giờ, điều này mục đích là để dạ dày của chúng ổn định trở lại
  • Cho mèo uống một lượng nước nhỏ: Sau vài giờ, hãy cho chúng uống 1 ít nước sạch. Chú ý chia ra theo từng đợt nhỏ, mỗi lần cách nhau chừng 30 phút. Nếu sau chừng 5 giờ mà mèo bớt nôn mửa thì có thể tăng dần lượng nước cho chúng.
  • Cho mèo ăn thức ăn nhạt, mềm: Nếu mèo không nôn trong vài giờ, bạn có thể cho chúng ăn một lượng nhỏ thức ăn nhạt và mềm như gà luộc bỏ da, cơm, phomai ít béo. Nhưng cần chú ý tăng dần số lượng trong vài ngày.

làm gì khi mèo bị nôn

Tuy nhiên khi thấy mèo bị ói ra máu, ra giun sán hoặc tần suất mèo mửa ra quá nhiều, sau khi ói mèo có dấu hiệu mệt mỏi và lờ đờ thì bạn cần lập tức mang mèo tới bác sĩ thú y.

Tại các phòng khám thú y, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra tổng thể và làm một vài xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp X-quang,.. để chuẩn đoán nguyên nhân khiến mèo bị ói.

Tùy thuộc vào nguyên nhân nào đã được chuẩn đoán mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Có thể bác sĩ sẽ tiêm một vài liều thuốc chống ói đặc trị cho mèo, kê đơn thuốc dùng tại nhà hoặc yêu cầu nhập viện để theo dõi

IV – Những lưu ý để phòng tránh, hạn chế mèo bị nôn mửa

Nhìn chung, hiện tượng mèo bị nôn xuất phát chủ yếu từ cách chăm sóc của chủ nhân. Vì vậy để phòng tránh mèo bị mửa thì tốt nhất bạn nên thực hiện theo một vài phương pháp sau

1. Giúp mèo ăn chậm lại

Háu ăn và ăn quá nhanh là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng mèo bị mửa, đặc biệt là ở mèo con. Do đó, nếu tự dưng thấy mèo nhà mình bị ói thì bạn có thể thử làm cho chúng ăn chậm lại.

kìm hãm tốc độ ăn của mèo

Có khá nhiều cách khiến mèo ăn chậm lại, bạn có thể thử đặt một quả bóng hoặc một vật gì đó to vào trong bát thức ăn của mèo. Điều này khiến mèo sẽ khó khăn hơn khi ăn và gián tiếp làm mèo ăn chậm lại.

Hoặc bạn cũng có thể tăng tần suất ăn hàng ngày của mèo lên. Thay vì cho ăn 3 bữa 1 ngày thì xé nhỏ thêm ra thành 6 bữa 1 ngày, tuy nhiên mỗi bữa bạn sẽ cho chúng ăn ít hơn.

Cách làm này khiến mèo luôn ở trạng thái no bụng, giảm cảm giác thèm ăn và không bị tình trạng ăn quá nhanh nữa.

2. Thay đổi thức ăn cho mèo

Dù mèo của bạn đang bị nôn mửa mãn tính hoặc cấp tính, việc điều chỉnh và thay đổi loại thực phẩm tương đối quan trọng.

thay đổi thức ăn cho mèo

Hãy tự nhớ lại ở thời điểm gần nhất trước khi mèo có hiện tượng ói mửa, bạn có thay đổi thực phẩm cho chúng không. Nếu có thì hãy quay lại hoặc thay đổi sang loại thực phẩm khác (tốt nhất thử các loại thức ăn cho mèo của các thương hiệu uy tín)

Khi thay đổi thực phẩm cho mèo, bạn cần chú ý quan sát và theo dõi trong khoảng 1 – 2 tuần. Nếu thực phẩm mới giúp mèo không còn bị ói mửa thì hãy duy trì cho mèo ăn loại thức ăn đó.

3. Thường xuyên chải lông cho mèo

Chải lông thường xuyên cho mèo cũng là phương pháp tránh hiện tượng mèo bị ói. Lông của mèo thường rụng rất nhiều, do vậy nếu bạn lười chải lông hàng ngày sẽ gián tiếp làm tăng lượng lông mà mèo nuốt vào bụng mỗi ngày.

chải lông cho mèo hàng ngày

Hãy sắm ngay 1 chiếc lược chải lông cho mèo kute nhất & ngồi chải lông cho chúng mỗi ngày. Điều đó vừa hạn chế hiện tượng mèo bị nôn và còn tăng thêm tình cảm của bạn với chúng nữa.

4. Dọn dẹp sạch sẽ nơi sinh hoạt

Mèo bị mửa đôi khi cũng do ăn nhầm phải thứ gì đó độc hại ở môi trường sống xung quanh. Vì vậy bạn hãy dọn dẹp sạch sẽ khu vực mèo sinh hoạt và cả xung quanh căn hộ của bạn nữa.

dọn sạch nơi sinh hoạt của mèo

Tránh để các loại hóa chất bị vương vãi, mèo với tính tò mò đôi khi sẽ nếm thử và dễ khiến chúng bị nôn mửa, thậm chí là ngộ độc.

5. Thăm khám thú y định kỳ

Thăm khám thú ý định kỳ 3 – 4 tháng một lần là biện pháp tránh mèo bị ói hiệu quả. Khi được kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên, mèo của bạn sẽ tránh được những nguy cơ bệnh ý tiềm ẩn trong cơ thể.

cho mèo thăm khám thú y định kỳ

Tuy nhiên bạn cũng cần lựa chọn các phòng khám thú y uy tín. Bởi tại Việt Nam ngành chăm sóc sức khỏe thú cưng chưa được kiểm duyệt gắt gao nên vẫn có rất nhiều phòng khám thuộc dạng “lang băm”, dễ làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mèo.

Như vậy bạn có thể thấy, mèo bị nôn mửa thực ra không quá nghiêm trọng. Quan trọng nhất bạn cần bình tĩnh và xử lý đúng cách thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra cho chú mèo của bạn. Nhớ like fanpage với comment dưới bài viết giao lưu nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *